Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng nâng cao
Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, thành phố Hà Nội đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị.
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng hợp tác xã
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Thủ đô, hiện thành phố Hà Nội có gần 1.500 hợp tác xã, dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Trong đó, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đóng góp tích cực trong tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP).
Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thành phố ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn. Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương.
Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) |
Các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên hợp tác xã nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ.
Nhờ đó, nhiều hợp tác xã đã tổ chức sản xuất và tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Ðặc biệt, những năm gần đây, với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới cả về số lượng, hiệu quả hoạt động với nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm.
Đơn cử như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Hợp tác xã đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng.
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: Xác định rõ sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường, nên ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định.
Đến nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt hơn 800 tấn/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng...
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Sở tập trung triển khai và phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, tuyên truyền 50 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP |
Sở cũng hỗ trợ thành lập mới và củng cố gần 200 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ 130 hợp tác xã nông nghiệp trong hoạt động đánh giá, xác nhận về hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt các yêu cầu theo Chương trình OCOP, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên; số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên.
Thành phố cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 150 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế của Thủ đô, nhất là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.
Hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thành phố Hà Nội năm 2025. Kế hoạch nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội; từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể; hướng dẫn, vận động giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động trên địa bàn, tạo dư địa thành lập mới các hợp tác xã…
Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố sẽ tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã; nâng số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm 65 - 70%; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 47 lớp; hỗ trợ 250 hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã |
Thành phố sẽ hỗ trợ củng cố 80 hợp tác xã tại xã xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại 30 hợp tác xã; hỗ trợ 10 hợp tác xã kinh phí thuê địa điểm và vận hành điểm giới thiệu sản phẩm.
Thành phố cũng phấn đấu doanh thu bình quân của một hợp tác xã là 3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã là 65 triệu đồng/năm; lãi bình quân của hợp tác xã là 220 triệu đồng/năm. Cùng với đó, phát triển 50 hợp tác xã trở lên tham gia thành viên Liên minh Hợp tác xã thành phố.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do UBND thành phố ban hành.
Đồng thời tư vấn, hướng dẫn hợp tác xã trong việc áp dụng chính sách, pháp luật; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý và trên địa bàn.
Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
UBND các quận, huyện, thị xã xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hỗ trợ các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã. Chủ động phối hợp triển khai các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn.
Cùng với đó, các địa phương cũng tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn…