A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình 15 năm nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhờ những chính sách đặc thù, chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, xây mới.

Nhiều chính sách an sinh đặc thù ra đời

Xây dựng hệ thống các chính sách xã hội toàn diện bao trùm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

Hiện toàn TP Hà Nội có 5,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được thành phố quan tâm đẩy mạnh; Triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm và 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện; Tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm, lựa chọn việc làm phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống.

Tính riêng năm 2022, thành phố đã giải quyết việc làm cho 203 nghìn lao động, đạt 126,9% kế hoạch giao trong năm, tăng 13% so với năm 2021; Tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trên 70,2 nghìn người với kinh phí hỗ trợ 1.873 tỷ đồng; Hỗ trợ học nghề cho 1,6 nghìn người với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, những kết quả tích cực đó là nhờ thành phố đã thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi trong việc kết nối cung - cầu lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước; Hiện đại hóa hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, đặc biệt là hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyền đề, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện nhằm đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với đối tượng cụ thể, để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Hành trình 15 năm nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn phường Mộ Lao, quận Hà Đông

Song song đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng với số người tham gia tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,5% dân số; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 40% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm đạt 37,5% tổng số người trong độ tuổi lao động.

Công tác chăm lo đời sống người có công cũng được quan tâm và triển khai kịp thời, chu đáo. Hiện Hà Nội có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có khoảng 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định cho trên 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp lên 440.000 đồng, mở rộng các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh COVID-19, thành phố đã tập trung các nguồn lực, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch được hỗ trợ kịp thời, đúng quy định. Tổng nguồn lực ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của TP Hà Nội trong năm 2021 là trên 10.640,4 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 6.527,9 tỷ đồng.

Khám bệnh, tặng quà cho 200 đối tượng chính sách tại huyện Quốc Oai

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình người có công tại huyện Quốc Oai

Công tác phát triển hệ thống an sinh xã hội được đẩy mạnh. Ngày 8/4/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Hệ thống dịch vụ xã hội từng bước được cải thiện, hạ tầng giáo dục, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Đời sống văn hóa, tinh thần Nhân dân ngày càng được cải thiện; Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư; Phong trào văn hóa, thể thao được đẩy mạnh...

HĐND TP cũng đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình. Hà Nội tập trung nguồn lực hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo; Đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo các chung cư cũ, xuống cấp, xây dựng khu nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên…

Chăm lo người nghèo, người dân tộc thiểu số

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố cũng ban hành chuẩn nghèo riêng cao 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; Một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội được ban hành. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 của thành phố được phê duyệt dự kiến là 1.587 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trao hỗ trợ Nhà đại đoàn kết cho các địa phương

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao hỗ trợ Nhà đại đoàn kết cho các địa phương

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng Nông thôn mới luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt được thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt.

Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, đến nay thành phố đã tập trung nguồn lực qua NHCSXH triển khai cho vay được trên 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 42.896 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 30.442 tỷ đồng, dư nợ bình quân chung của 17 chương trình tín dụng là 39 triệu đồng/khách hàng, tăng 37 triệu đồng/khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,5 triệu đồng/hộ, tăng 42,5 triệu đồng/hộ so với thời điểm nhận bàn giao.

Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Ba Vì

Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Ba Vì

Bên cạnh công tác giảm nghèo, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, thành phố Hà Nội có 13 xã và 1 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư thành làng bản. Thời điểm mới sáp nhập, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 20%; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế. Trong đó, có 1 xã và 5 thôn thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn) được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn II.

15 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ước tính, khu vực này đã được đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho hàng trăm dự án, chưa kể ngân sách đầu tư từ các huyện và vốn xã hội hóa... Từ đây, khu vực dân tộc, thiểu số miền núi của Thủ đô có sự đổi thay theo hướng tích cực. Đến hết năm 2017, Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2022, 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người các xã tại khu vực này đã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm nhanh chóng, hiện chỉ còn 0,96%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao. Hằng năm, thành phố đều tổ chức các hội thi thể thao các xã dân tộc thiểu số; các huyện có đồng bào dân tộc cũng xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, hát dân ca dân tộc Mường; múa Chuông, lễ Cấp sắc, tết Nhảy của dân tộc Dao...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá: Hà Nội là điển hình tiên tiến, dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hà Nội mở rộng địa giới hành chính Thủ đô khi bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, cùng sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến lượng công việc phải thực hiện rất lớn nhưng bằng truyền thống đoàn kết, suốt dọc dài 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức, cùng góp sức phát triển Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật