A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạn chế phát triển tự phát “theo vết dầu loang”

Hà Nội cần phát triển vùng đô thị lớn theo cấu trúc đa trung tâm theo mô hình đa cực; phát triển tập trung theo khu vực, hành lang, hạn chế phát triển lan tỏa tự phát “theo vết dầu loang” giữa đô thị và nông thôn.

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện liên danh thư vấn đã làm rõ một số nội dung chủ yếu của quy hoạch Thủ đô.

Hạn chế phát triển lan tỏa tự phát “theo vết dầu loang”
GS.TS Hoàng Văn Cường tham luận tại hội thảo

Phát triển vùng đô thị theo cấu trúc đa trung tâm, mô hình đa cực

GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của Thủ đô cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, không chỉ có ý nghĩ làm căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng đối với quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển Thủ đô, mà là kim chỉ Nam để phát triển Hà Nội thành trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), tạo ra sự lan tỏa trong phát triển vùng, liên vùng và cả nước.

Làm rõ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Cần phát triển vùng đô thị lớn theo cấu trúc đa trung tâm theo mô hình đa cực; phát triển tập trung theo khu vực, hành lang, hạn chế phát triển lan tỏa tự phát “theo vết dầu loang” giữa đô thị và nông thôn.

Cùng với đó, phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình TOD xung quanh đô thị lịch sử để thu hút nhu cầu phát triển dân số, lao động; kết hợp hài hòa giữa cấu trúc không gian với cấu trúc giao thông, cấu trúc tự nhiên và mạng lưới trung tâm chức năng đô thị tạo mạng đô thị nông thôn đặc trưng; kiểm soát chặt việc phát triển mở rộng các điểm dân cư nông thôn nằm trong hành lang xanh.

TP cần hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo nên động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng.

Các trung tâm cấp quốc gia nằm phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng quốc tế nằm phía Bắc sông Hồng. Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia ở khu vực Ba Đình; trung tâm TP Hà Nội tiếp tục giữ tại khu vực Hồ Gươm. Cùng với đó, TP phát triển các trung tâm khoa học công nghệ, dịch vụ quốc tế, tài chính quốc tế, đổi mới sáng tạo… để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng và quốc gia.

Đồng thời, TP phải dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía Tây và phía Bắc. Hệ thống đô thị được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị thông minh bền vững với các khu vực đô thị nén tập trung theo mô hình TOD và các đô thị sinh thái tại khu vực ngoại thành. TP xây dựng phát triển trục sông Hồng trở thành trung tâm, biểu tượng của vùng đô thị Hà Nội trong tương lai.

Trong phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, GS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần phát triển hài hòa hệ thống đô thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển lan tỏa và liên kết vùng.

Trong đó, TP phát triển hệ thống đô thị theo các mô hình đô thị trung tâm, trục đô thị hướng tâm, chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm.

Tại mỗi khu vực phát triển đô thị, bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội; nhất là yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ giáo dục có chất lượng. Mỗi khu vực TP đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân...

Cùng đó, TP cải tạo, tái thiết khu vực nội đô, các khu vực đô thị hiện hữu; phân loại đô thị hiện hữu thành các khu vực: Giữ lại chỉnh trang; khu vực cải tạo bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu vực chuyển đổi, tái thiết đô thị như các khu tập thể cũ, các khu sản xuất chuyển đổi, khu nhà ở tự xây không đảm bảo an toàn, không phù hợp các tiêu chí đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại, theo hình thức và lộ trình phù hợp.

Hà Nội cần áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) tại các khu vực có quy hoạch ga đường sắt đô thị; có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với người dân khi thực hiện các mô hình cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Trong phát triển đô thị, TP thực hiện bảo tồn phát huy các giá trị của các khu vực Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, phố cũ, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái và các khu vực quy hoạch kiến trúc có giá trị; tái thiết đô thị các khu tập thể cũ, khu dân cư đô thị hóa tự phát, các khu vực làng xóm đô thị hóa; kiểm soát hài hòa giữa xây dựng mới, xây dựng cải tạo và bảo tồn các khu vực có giá trị. ...

Hạn chế phát triển lan tỏa tự phát “theo vết dầu loang”
GS.TS Hoàng Văn Cường tham luận tại hội thảo

Tổ chức khu vực nông thôn

Quy hoạch Thủ đô cũng xác định định hướng phát triển đô thị nông thôn theo nguyên tắc bảo tồn không gian cảnh quan sinh thái tự nhiên của khu vực; bảo tồn các di sản, làng nghề, làng truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên; thu hút phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, sinh thái, bảo đảm điều kiện môi trường.

TP áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, hạ tầng xanh; phát triển các đô thị tập trung tại đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái để thu hút các nhu cầu phát triển đô thị hóa, tăng dân cư tại khu vực; phát triển mạng lưới đô thị nông thôn thấp tầng, mật độ thấp trong vùng hành lang xanh; kiểm soát phát triển mở rộng, hoàn thiện (không gian, hạ tầng, dịch vụ) các điểm dân cư nông thôn.

Quy hoạch Thủ đô phát triển mạng lưới giao thông kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây; kết nối vào đô thị trung tâm và các địa phương lân cận để mở rộng không gian phát triển.

Khu vực đô thị nông thôn phía Nam Thủ đô, gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức: Trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hiện đại; là trung tâm đầu mối logistics lớn của vùng Thủ đô kết nối khu vực phía Nam; trung tâm công nghiệp hỗ trợ vận tải, phân phối và công nghiệp đường sắt; trung tâm du lịch tín ngưỡng trên tuyến du lịch tín ngưỡng kết nối với Hà Nam và Ninh Bình, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng trên vùng hồ nước. Khu vực phía Nam hình thành vùng đô thị sân bay khi xây dựng sân bay thứ hai trên địa bàn Thủ đô.

GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, TP cần tổ chức "lãnh thổ" khu vực nông thôn để xây dựng thành công nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh kết nối đồng bộ với quy hoạch đô thị, khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp gìn giữ được giá trị văn hóa khu vực đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, khu vực này cần phát triển các mô hình nông thôn phù hợp với các vùng nông thôn và vùng bị ảnh hướng, tác động của đô thị hóa. “Đối với khu vực nông thôn đô thị hóa, bảo vệ và kiểm soát các công trình, không gian, hạ tầng có giá trị; phát triển hài hòa giữa làng xóm và đô thị hóa lân cận theo các tiêu chuẩn thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đô thị; kiểm soát chặt về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình”, GS. TS Hoàng Văn Cường cho biết.

Đối với khu vực không bị đô thị hóa cần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn kết với mạng lưới hạ tầng của vùng; giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn kết hợp các phương thức tự nhiên kết hợp với xử lý tập trung hiện đại; bảo vệ các kiến trúc nông thôn xưa, giãn mật độ xây dựng mới sang các khu vực phát triển mở rộng.


Tác giả: Tú Linh; Ảnh Hồng Mạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật