A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU thừa nhận phải trả giá đắt vì từ bỏ khí đốt Nga

EU thừa nhận mất nguồn cung khí đốt Nga giá rẻ khiến châu lục này phải trả giá đắt khi chi phí tăng cao ngất ngưởng.

EU thừa nhận phải trả giá đắt vì từ bỏ khí đốt Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận giá năng lượng ở EU tăng vọt do mất khí đốt Nga. Ảnh: WEF

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết việc từ bỏ các nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch giá rẻ từ Mátxcơva đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phải trả giá.

Giá năng lượng đã tăng vọt trên khắp EU do sự gián đoạn của nguồn cung cấp giá rẻ từ Nga - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ ngày 21.1.

Bà von der Leyen cho biết, trước năm 2022, EU đã nhận được 45% khí đốt và 50% than từ Nga, trong khi Mátxcơva là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất của khối. Bà thừa nhận: "Nguồn năng lượng này có vẻ rẻ, nhưng nó khiến chúng tôi bị phụ thuộc và dễ bị tống tiền".

Bà Von der Leyen tiếp tục tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã cắt nguồn cung khí đốt của chúng tôi" sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra vào tháng 2.2022.

"Lượng khí đốt nhập khẩu của chúng tôi từ Nga đã giảm khoảng 75%. Và hiện tại chúng tôi chỉ nhập khẩu 3% dầu của Nga và hoàn toàn không nhập khẩu than từ Nga", bà tuyên bố.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu tiếp tục thừa nhận rằng việc mất nguồn cung từ Nga đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng. “Tự do đã phải trả giá. Các hộ gia đình và doanh nghiệp đối mặt hóa đơn năng lượng cao ngất ngưởng và nhiều nơi chi phí này vẫn chưa giảm”.

Tàu chở LNG của Nga. Ảnh: Sputnik

Tàu chở LNG của Nga. Ảnh: Sputnik

EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga, nhắm vào ngành công nghiệp của nước này, cũng như các lĩnh vực năng lượng và tài chính. Năm 2022, Nga dừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1, với lý do bảo trì và do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt nên các thiết bị do phương Tây sản xuất không được giao.

Vào tháng 9.2022, hai đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 chạy dưới Biển Baltic đã bị phá hoại, làm gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga đến EU. Nga cáo buộc Mỹ và Anh đứng sau vụ việc, nhưng cả hai quốc gia này đều bác bỏ trách nhiệm.

Trong bài phát biểu tại Davos, bà von der Leyen cho biết EU có thể thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. “Chúng tôi sẽ phải đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch thế hệ tiếp theo, như nhiệt hạch, địa nhiệt tăng cường và pin thể rắn” - người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho hay.

Dù vậy, một số quốc gia thành viên EU như Hungary và Slovakia ngày càng kêu gọi Brussels xem xét lại chính sách trừng phạt của mình và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraina.

Vào ngày 1.1.2025, Ukraina đã dừng vận chuyển khí đốt của Nga đến các nước EU thông qua các đường ống thời Liên Xô, sau khi Kiev quyết định không gia hạn thỏa thuận với tập đoàn dầu khí Nga Gazprom. Điều này khiến Thủ tướng Slovakia Robert Fico đe dọa sẽ cắt viện trợ nhân đạo và nguồn cung điện cho Ukraina nếu Kiev không nối lại việc trung chuyển khí đốt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật