Bộ Nội vụ nêu đề xuất về thành lập sở ở Hà Nội và TPHCM
Trong trường hợp Hà Nội và TPHCM không tổ chức riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Xây dựng.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vừa được Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Điều 9 của Dự thảo Nghị định nêu rõ về các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương.
Trong đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được thành lập ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sở này có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất trường hợp Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Xây dựng.
Dự thảo cũng đưa ra tiêu chí để tổ chức 3 sở đặc thù khác một số địa phương, gồm Sở Ngoại vụ, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Du lịch.
Trong đó, Sở Ngoại vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (đối với những tỉnh có đường biên giới).
Sở Ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng một trong các tiêu chí: Có cửa khẩu quốc tế đường bộ; có cửa khẩu quốc tế đường hàng không; có cảng biển quốc tế; có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỉ đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỉ đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.
Đối với các địa phương không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Sở Dân tộc và Tôn giáo tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo.
Sở này được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí: Có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản; có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
Các địa phương không tổ chức riêng Sở Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nội vụ đề nghị sáp nhập và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Nội vụ.
Sở Du lịch tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: Có di sản văn hóa vật thể được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật); ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và có giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) hàng năm của địa phương với tỷ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.
Các địa phương không tổ chức riêng Sở Du lịch thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Văn hóa và Thể thao và đổi tên thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.