Đìu hiu ở ‘thành phố tương lai’ của Trung Quốc
Nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, Tân khu Hùng An được kỳ vọng sẽ trở thành khu đô thị công nghệ cao hiện đại, đóng vai trò van xả cho thủ đô đông đúc chật chội, một thành phố kiểu mẫu trong lịch sử phát triển nhân loại.
Từ năm 2017, Trung Quốc đã chi khoảng 610 tỷ nhân dân tệ (85 tỷ USD) để phát triển thành phố, nhiều hơn gấp đôi chi phí xây dựng đập Tam Hiệp. Ở khu vực trước kia là những cánh đồng ngô giờ đây có nhà ga tàu điện, các tòa nhà văn phòng, khu dân cư, khách sạn 5 sao, trường học và bệnh viện. Nhưng còn thiếu một điều: Cư dân.
Phóng viên Bloomberg mô tả con đường cao tốc và thành phố gần như vắng tanh. Ở trung tâm thành phố, rất ít cửa hàng và nhà hàng mở cửa trên những con phố có nhiều trụ sở chính quyền, tòa nhà văn phòng, khu dân cư và khách sạn mới toanh.
Các công nhân làm việc cho một viện nghiên cứu đang chịu áp lực phải chuyển khỏi thủ đô cho biết, họ lo lắng về chất lượng giáo dục của con cái họ. Bốn trường đại học có trụ sở tại Bắc Kinh công bố kế hoạch di dời từ năm 2022 nay chuyển hướng sang thành lập cơ sở thứ cấp.
“Tôi học hành chăm chỉ để vào đại học rồi đến Bắc Kinh chứ không phải Hùng An”, một sinh viên năm thứ nhất của Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, nói với Bloomberg với điều kiện giấu tên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của thành phố, giúp hồi sinh vùng đông bắc Trung Quốc.
“Mọi người phải di chuyển nếu cần thiết”, ông Tập nói khi cùng Thủ tướng Lý Cường thăm Hùng An vào tháng 5 năm ngoái.
Nhưng không nhiều người muốn chuyển đến Tân khu Hùng An .
Ở thành phố này, các biện pháp kiểm soát giá nhà được thực hiện chặt chẽ để chống đầu cơ, thực hiện đúng chỉ đạo của ông Tập rằng “nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”.
Năm ngoái, thành phố cấm các công ty bất động sản bán nhà khi chưa xây, một sự khác biệt lớn so với kiểu huy động vốn trước khi xây nhà phổ biến trên khắp các tỉnh, thành Trung Quốc, gây ra hiện tượng bong bóng bất động sản.
Hùng An chọn lọc những ngành công nghiệp được hoan nghênh, khuyến khích các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y sinh và năng lượng mới, từ chối các ngành công nghiệp truyền thống. Quan điểm này khác với cách tiếp cận tự do của đặc khu Thâm Quyến, nơi thu hút hàng triệu lao động và doanh nhân nhập cư.
Một bảo tàng giới thiệu cách thành phố được quy hoạch tập trung. Nhiều tiện ích thiết yếu như dây cáp điện được đặt trong những đường hầm lớn dưới lòng đất giúp việc bảo trì dễ dàng và giữ cho đường phố luôn gọn gàng. Một trung tâm giám sát giao thông kỹ thuật số giúp ngăn chặn tình trạng ùn tắc như ở Bắc Kinh và Trùng Khánh, dù hiện tại có rất ít phương tiện lưu thông ở Hùng An để kiểm soát.
Hùng An được đặt mục tiêu hoàn thành vào giữa thế kỷ này. Đến năm 2035, thành phố dự kiến sẽ thực hiện một số chức năng của thủ đô Bắc Kinh và trở thành “thành phố xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa cấp cao”, với các lĩnh vực kỹ thuật số chiếm ít nhất 80% nền kinh tế thành phố, 45% rác thải đô thị được tái chế và internet tốc độ cao được phủ sóng đầy đủ, theo các tài liệu của chính phủ.
Tuy nhiên, một vấn đề tiềm ẩn với Hùng An bộc lộ khi miền bắc Trung Quốc hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào mùa hè năm ngoái.
Các quan chức chỉ đạo nỗ lực hết sức để bảo vệ Bắc Kinh và Hùng An, nơi dân cư vẫn còn thưa thớt, gọi đây là “ưu tiên hàng đầu để kiểm soát lũ lụt”, cho dù phải chuyển hướng nước cho tràn vào các thành phố và làng mạc lân cận, khiến hàng nghìn người bị mắc kẹt trong nhiều ngày.
Trận đại hồng thủy đó cũng dẫn đến những chỉ trích rằng khu vực này được lựa chọn không dựa trên kinh nghiệm lịch sử, vì nơi đó thấp nên dễ bị ngập lụt. Theo ông Xu Kuangdi, một chuyên gia chính phủ về quy hoạch của Hùng An, việc xây dựng công trình kiên cố ở đây bị cấm sau trận lũ lớn năm 1963.
Tuy nhiên, Tân khu Hùng An vẫn còn nhiều thập kỷ nữa để kiểm nghiệm cơ hội thành công. Nhiều thành phố của Trung Quốc từng bị chế giễu là thị trấn ma sau đó đã hồi sinh khi nhiều người dân và ngành công nghiệp chuyển đến.