Đề xuất Thủ đô có mô hình thành phố trong thành phố
Cùng với đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đề cập đến việc thành lập mô hình "thành phố trong thành phố".
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô, đó là thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, được định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ. Thành phố thứ hai là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Sự ra đời của 2 thành phố này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, giúp kéo giãn dân cư khu vực nội đô.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: ''Luật Thủ đô phải có những cơ chế đặc thù, những quy định mang tính đặc thù. Điểm thứ hai là cách tiếp cận đến Luật Thủ đô lần này dựa vào quy hoạch, một yếu tố mang tính cốt lõi''.
Thành phố Bắc sông Hồng có diện tích lên tới hơn 630km2 với rất nhiều khu vực nông thôn, rừng núi. Trong khi đó thành phố phía Tây có diện tích hơn 250km2, ngoài cơ sở hạ tầng dành cho cư dân còn cần cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giáo dục, khoa học. Hà Nội đã đề xuất các giải pháp cho những thách thức này.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: ''Luật Thủ đô đồng thời đưa ra đề xuất và các giải pháp. Có thể áp dụng phương thức xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao hoặc xây dựng, chuyển giao và thuê dịch vụ. Đó là phương thức trong hợp tác công tư. Nếu chúng ta thực hiện hiệu quả thì chúng ta có thể có cơ chế phát triển nguồn lực để phát triển thành phố này''.
Khi Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt và Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua theo đúng định hướng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và cả nước.