Đề cao yếu tố dân chủ trong chủ đề Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X
Góp ý Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, nhiều đại biểu quan tâm tới yếu tố "dân chủ" trong chủ đề Đại hội.
Chủ trì hội nghị |
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 17, khoá IX của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam diễn ra sáng nay (9/5), các đại biểu đã thảo luận vào nội dung dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; Việc vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 7/5/2024).
Trong đó, góp ý Đề án tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, nhiều đại biểu quan tâm tới yếu tố dân chủ trong chủ đề Đại hội.
Góp ý vào đề án tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục nhấn mạnh vấn đề “Dân chủ” để nghiên cứu chủ đề Đại hội theo hướng "Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch phát biểu tại hội nghị |
Chung quan điểm, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng cần đưa vấn đề dân chủ vào chủ đề Đại hội. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, Luật MTTQ Việt Nam bao giờ cũng nói “Đoàn kết, dân chủ, đồng thuận xã hội”. Bác Hồ cũng đã nói không có dân chủ thực sự thì không có đoàn kết thực sự. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhấn mạnh Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, trong đó MTTQ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt chính trị để bảo đảm cho Nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ chính là vấn đề dân chủ.
“Quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đều nhắc đến vấn đề dân chủ. Trong giai đoạn hiện nay, MTTQ phải đề cao vai trò của Mặt trận trong phát huy dân chủ, gắn với đoàn kết, đổi mới, có như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.” ông Lê Truyền nói.
Đồng tình với các ý kiến, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, mỗi từ ngữ được nêu trong chủ đề của Đại hội MTTQ Việt Nam đều mang những ý nghĩa riêng, vì vậy nên có giải thích cụ thể để MTTQ các cấp nắm vững. Trong đó, "đoàn kết" là truyền thống của dân tộc, là trách nhiệm của Mặt trận. Tuy nhiên vế còn lại nên để thành "dân chủ" thay vì "đồng thuận", bởi dân chủ thể hiện tiếng nói của Nhân dân, đại diện cho các tầng lớp Nhân dân.
Về "đổi mới", nên có giải thích cụ thể rằng Mặt trận đổi mới hay đất nước đổi mới? Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên giải thích theo hướng công tác Mặt trận cần phải đổi mới, nhưng Mặt trận phải cho thấy sự đổi mới đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Về "phát triển", Đại hội MTTQ Việt Nam được tổ chức trong bối cảnh cả nước hướng vào khát vọng phát triển đến năm 2045, "phát triển" trong chủ đề của Mặt trận cần được nhấn mạnh là công tác Mặt trận đóng góp cho sự phát triển của đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển trong tương lai; Hoặc có thể sửa chủ đề Đại hội theo hướng "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Cùng với nội dung về chủ đề Đại hội, các đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội. Theo ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, việc này giúp báo cáo của Mặt trận ngày càng lan tỏa, nhận được sự đồng tình của các tầng lớp Nhân dân, từ đó khẳng định vai trò đại diện của MTTQ Việt Nam với Nhân dân.
"Trong bản báo cáo kiến nghị cử tri và Nhân dân cần có nội dung nêu lại những ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch ở kỳ họp trước đến kỳ họp này đã làm được việc gì, và chưa làm được gì. Có như vậy mới tăng được trách nhiệm của Mặt trận đối với Quốc hội", ông Lê Truyền kiến nghị.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân góp ý thêm: Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân cần tăng tính giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận.
Những kiến nghị nêu trong báo cáo đúng nhưng chưa trúng, bởi vậy cần rà soát và kiến nghị thêm những vấn đề được Nhân dân và MTTQ các cấp quan tâm, trong đó nên có một số kiến nghị riêng liên quan đến đời sống văn hóa, giáo dục của Nhân dân, bởi phát triển kinh tế là cần thiết nhưng duy trì văn hóa và nòi giống dân tộc Việt Nam là việc làm rất quan trọng.