A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Lạt gian nan xoá nhà kính, nhà lồng

Mục tiêu đến năm 2030, việc TP Đà Lạt hoàn thành sứ mệnh xóa nhà kính, nhà lồng vẫn còn rất gian nan, trong đó, đặc biệt phải cân bằng tỉ lệ đất nông nghiệp nhằm duy trì diện tích trồng các sản vật hoa, rau, củ quả…

Đà Lạt gian nan xoá nhà kính, nhà lồng

Tình trạng xây dựng nhà kính ồ ạt cũng góp phần khiến không gian Đà Lạt bị thay đổi theo hướng tiêu cực. Ảnh: HƯƠNG MAI

Kế hoạch xóa bỏ nhà kính

Từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2010, toàn tỉnh đã phát triển hơn 6.400ha diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó nhà kính là 1.170ha; năm 2015 diện tích này tiếp tục tăng lên hơn 43.000ha và nhà kính đạt gần 3.150ha.

Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là 60.200ha và diện tích nhà kính đạt gần 4.350ha, trong đó phần lớn diện tích nhà kính tại TP Đà Lạt. Do hiệu quả kinh tế mang lại quá lớn nên nhà kính phát triển tự phát rất nhanh tạo nên ảnh hưởng tác động đến môi trường, hệ sinh thái…

Trước thực tế này, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung triển khai các giải pháp để giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính so với hiện tại, và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính trong nội ô Đà Lạt.

Canh tác nông nghiệp trên 10 sào đất được gần 34 năm, trước đây, gia đình ông Đỗ Văn Bảy (phường 7, TP Đà Lạt) chỉ gieo trồng các loại rau củ hoa quả ngắn ngày theo kiểu truyền thống lộ thiên. Năm 2015, ông Bảy đã bỏ ra gần 2 sào làm nhà lồng trồng hoa và thấy năng suất, thu nhập tăng lên gấp nhiều lần… Nhờ đó, kinh tế của vợ chồng ông Bảy ổn định hơn rất nhiều.

Ông Đỗ Văn Bảy cho biết, mặt trái lớn nhất của nhà lồng nhà kính đối với Đà Lạt là phá vỡ cảnh quan đô thị, cảnh quan kiến trúc của một thành phố du lịch xanh. Tuy nhiên, việc xóa bỏ nhà lồng nhà kính cũng phải có giải pháp hỗ trợ cho người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND phường 3 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) - cho biết, công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ chủ trương của tỉnh về xóa bỏ nhà kính khỏi Đà Lạt là rất quan trọng.

Khi di dời như vậy thì người dân sẽ gặp khó khăn về vốn và cần được vay ngân hàng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đang đề xuất tỉnh hỗ trợ thêm phần lãi suất cho người nông dân.

Xây dựng gói tín dụng riêng

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cùng Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng xem xét đề xuất giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh xây dựng gói tín dụng riêng để thực hiện việc này.

Tuy nhiên, việc đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn Lâm Đồng để xây dựng mới, di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính rất khó thực hiện. Bởi việc xây dựng các chính sách tín dụng phải có chủ trương của Hội sở các Ngân hàng thương mại triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Agribank Việt Nam phối hợp xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, để có cơ sở xây dựng gói tín dụng ưu đãi áp dụng riêng ở Lâm Đồng này cần phải có tiêu chí đánh giá nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí kỹ thuật. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức xây dựng nhà kính.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng - cho biết, để thực hiện mục tiêu loại bỏ nhà kính, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tính toán và đề xuất cho người nông dân vay tín dụng với 3 phương án: Cho vay để di dời là 1,3 tỉ đồng/ha, vay để cải tạo nâng cấp nhà kính đạt chuẩn là 1 tỉ đồng/ha, chuyển đổi từ nhà kính ra ngoài trời là 300 triệu/ha.

Tổng vốn cho vay ưu đãi cho toàn bộ dự án là 4.820 tỉ đồng, nguồn vốn vay là của các ngân hàng và địa phương sẽ hỗ trợ một phần lãi suất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan