A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con trẻ phải căng thẳng thi vào lớp 10, một phần do quản lý quy hoạch lỏng lẻo

Hiện, ngành giáo dục các địa phương cả nước đều đã công bố số liệu học sinh lớp 9 đăng ký thi vào lớp 10. Như thường niên, ở 3 đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đều có tỉ lệ "chọi" cao nhất. Học sinh rất cam go tại "đấu trường" này, phải loại 2-3 "đối thủ" để giành suất vào lớp 10 trường THPT công lập.

Con trẻ phải căng thẳng thi vào lớp 10, một phần do quản lý quy hoạch lỏng lẻo

Học sinh chịu nhiều áp lực vì tỉ lệ "chọi" tại kỳ thi vào lớp 10 ở Đà Nẵng rất cao. Ảnh: Nguyên Linh

Tại Hà Nội, trong số hơn 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay, sẽ tuyển sinh vào lớp 10 công lập gần 82.000 học sinh. Như vậy, hơn 51.000 em phải chọn phương án khác để học tập, tìm việc làm...

Ở TPHCM, có hơn 111.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng tổng chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập chỉ hơn 72.000. Con số bị "loại" khỏi trường công lập gần 39.000 học sinh.

Tại Đà Nẵng, năm học này có trên 18.300 học sinh lớp 9, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập chỉ hơn 11.000 học sinh...

Gần 7.000 học sinh lớp 9 ở Đà Nẵng sau tốt nghiệp phải đăng ký học lớp 10 trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề - tưởng chừng nhỏ với con số 40.000 đến 50.000 học sinh bị "loại" khỏi trường công ở Hà Nội và TPHCM. Nhưng nếu so trên tỉ lệ dân số xấp xỉ 1 triệu người của Đà Nẵng và gần 10 triệu người ở Hà Nội hoặc TPHCM thì tỉ lệ "chọi" vào lớp 10 của học sinh Đà Nẵng cao hơn nhiều.

Dư luận cho rằng, con số dôi dư học sinh so với chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm nay tăng đột biến là do... sinh quá nhiều vào năm "trâu vàng" - 2009.

Đó là nhận định không hoàn toàn đúng, bởi sau 15 năm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị đã phát triển, thay đổi rất nhiều. Ví như Đà Nẵng, sau 25 năm chia tách tỉnh, diện tích đô thị mở rộng hơn 4 lần.

Thiếu trường công lập cho con trẻ học cũng không hoàn toàn tại lỗi của ngành GDĐT. Mà phần lớn do công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch lỏng lẻo, dẫn đến thiếu trường.

Bởi, quá trình phát triển tại các địa phương, rất nhiều khu dân cư, khu đô thị mới được xây dựng, mở rộng... nhưng lại "quên" xây dựng trường học.

"Quên xây dựng trường học" là từ dùng của đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng từng nêu tại rất nhiều kỳ họp để chỉ thực trạng thiếu trường lớp tại các khu đô thị mới.

Như tại 1 khu đô thị mới ở quận Cẩm Lệ, trong quy hoạch chi tiết 1/500 cũng như cam kết của nhà đầu tư là sẽ có 10 trường học các cấp. Nhưng sau hơn 10 năm, dân cư đông đúc, gần như lấp đầy thì vẫn chưa xây trường học nào...

Thực trạng thiếu trường lớp, nhất là tại các khu đô thị mới, không chỉ xảy ra tại Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM... mà gần như phổ biến ở các đô thị cả nước.

Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn thi hành, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia... đã quy định rất rõ, nhưng nhiều dự án khu đô thị sau khi đưa vào sử dụng lại thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiếu trường học.

Để giảm thiểu những áp lực thái quá, không đáng có trong thi cử cho lứa tuổi học kiến thức phổ thông, tránh phải loay hoay câu chuyện hướng nghiệp, dạy nghề hoặc "vận động" các em không thi vào lớp 10 công lập như một số nơi..., các địa phương cần phải giám sát thực hiện quy hoạch. Có quy định chặt, buộc nhà đầu tư các dự án khu đô thị phải thực hiện cam kết xây trường học. Lãnh đạo ký điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mà bỏ việc xây trường học phải bị truy trách nhiệm cá nhân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan