A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu

Cho rằng cần tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị phải đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu...

Trong phiên thảo luận chiều 23/5 về Luật Giá (sửa đổi), ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; Đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; Sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là chưa phù hợp bởi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường; Quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; Chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (hiện là 10 ngày); Lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, thực tế cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.

Cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá xăng dầu
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đồng tình với việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc giao cho doanh nghiệp quản lý quỹ là không phù hợp.

Do đó, đại biểu đề xuất giao Bộ Tài chính quản lý. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời điểm không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ xác định rằng việc duy trì quỹ này là cần thiết nên sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn một số hạn chế.

Theo dư luận phản ánh chứ chưa có cuộc kiểm tra, kết luận nào thì việc sử dụng quỹ còn thiếu công khai minh bạch, một vài doanh nghiệp lợi dụng sử dụng không đúng mục đích.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, thời gian tới nếu còn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì phải giải quyết những vấn đề đó, phải đảm bảo công khai, minh bạch khi sử dụng quỹ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật