A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc điều chuyển hơn 31 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải?

Việc điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ giảm theo tương ứng.

Liên quan đến việc điều chỉnh vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông đã cung cấp thêm một số thông tin liên quan với báo chí.

Theo đó, ông Đông thông tin lại việc mới đây Chính phủ đã quyết định điều chuyển 31.396 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để sang cho 7 địa phương khác gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh,TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai 856 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố được giao thêm số lượng vốn lớn nhất lần lượt là 8.400 tỷ đồng và TP.HCM là 10.627 tỷ đồng

Đây cũng chính là số tiền đang dự kiến chi bổ sung cho các công trình giao thông và đường Vành đai 3 của TP.HCM và vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tổng mức đầu tư dự kiến của dự án Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội là trên 85.000 tỷ đồng. Còn tổng vốn đầu tư dự án Vành đai 3 của TP.HCM cũng trên 75.000 tỷ đồng.

Về việc "điều chuyển sẽ được thực hiện như thế nào và vào thời hạn nào?", ông Trần Duy Đông thông tin, sự điều chuyển vốn trên dựa trên việc thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

"Đây chính là số tiền dự kiến đã giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tuy nhiên thực hiện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, phân quyền cho địa phương nên đã chuyển số vốn này cho địa phương. Ngoài ra thì địa phương cũng phải bỏ ra số vốn lớn", ông Đông nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói gì về việc điều chuyển hơn 31 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, trong nghị quyết 56, 57 của Quốc hội thì cũng quy định rất rõ những dự án thành phần. Như dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có 7 dự án thành phần, dự án vành đai 3 TP.HCM có 8 dự án thành phần.

"Dự án vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được áp dụng các cơ chế đặc biệt. Tinh thần là Chính phủ và Quốc hội mong muốn nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động", ông Đông nói.

Còn về thời hạn điều chuyển vốn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, quyết định này đã có hiệu lực từ hôm 28/9. Theo đó, ngay ngày 29/8/2022 và trong Nghị quyết số 56, 57 của Quốc hội đã quy định rất rõ, sau khi các địa phương được giao thì tiếp tục liên kết đầu tư, thực hiện các công tác đấu thầu, chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thực hiện các nội dung liên quan khác.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH&ĐT), việc điều chỉnh vừa qua sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ này sẽ giảm theo tương ứng từ hơn 303.700 tỷ đồng ban đầu xuống còn hơn 272.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là hơn 241.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài là gần 30.700 tỷ đồng.

Liên quan đến việc điều chuyển trên, ngày 5/9, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 3).

Quyết định đã điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 ngành giao thông của Bộ GTVT 31.396 tỷ đồng.

Đồng thời, điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương, gồm: TP Hà Nội là 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng, TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan