A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của mình, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… Bởi một người khác có thể mạo danh để hoạt động và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia "chia lửa" cùng Bộ trưởng Bộ Công thương, làm rõ một số ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên chất vấn

Không thể dùng sức người để quản lý trên không gian mạng

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, chúng ta đầu tư chưa nhiều để phát triển các công cụ công nghệ số nhằm thực thi quản lý Nhà nước trên không gian mạng và cần phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.

Bộ trưởng cũng tâm đắc với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) đó là dùng công nghệ để quản lý công nghệ. Giải pháp quản lý không gian mạng được Bộ trưởng nêu ra đó là thể chế số, công cụ số và con người số - tức là kỹ năng số cho người dân. Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số và kỹ năng số đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất.

Bộ trưởng cho biết, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số, có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng cần dùng công nghệ hiện đại.

Bộ trưởng lấy ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khỏan có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Việt Nam có thuận lợi đó là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số của ngành có thể giúp Bộ Công thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử. Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư cho việc phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư phát triển công cụ số quản lý thương mại điện tử nói riêng và không gian mạng nói chung.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn

Chính phủ có lộ trình xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng nêu rõ, chúng ta phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của mình, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… Bởi một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động thay và tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.

Ông cho biết, thương mại điện tử vừa qua phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ và xử lý ngày càng lớn, đi kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân ảnh hưởng thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó quy định bộ ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với ngành, lĩnh vực quản lý của mình. “Tức là ai, quản lý cái gì trong đời thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó. Hiện nay Chính phủ cũng có lộ trình xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ngoài ra cần đảm bảo an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ nghị định này. Vừa qua Chính phủ đã rất quyết liệt, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai công tác về đảm bảo an toàn thông tin qua các chỉ thị, công điện.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để bảo vệ dữ liệu cá nhân thì phải bảo vệ người dân.

Bộ đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung cũng như thương mại điện tử như: Triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng; đánh giá website đảm bảo an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gắn nhãn tín nhiệm cho trên 5 nghìn website chính thống; đồng thời công bố các website lừa đảo.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất
Quang cảnh phiên chất vấn

Bộ đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân, như kiểm tra xem máy tính, điện thoại của mình có nhiễm mã độc không; thông tin của mình có lộ lọt hay không; kiểm tra một website có phải lừa đảo hay không trên cổng “khonggianmang.vn”.

Chiến dịch tháng hành động tuyên truyền và nhận diện phòng chống lừa đảo trực tuyến đã được phổ biến đến toàn xã hội, có sự tham gia 100% bộ ngành, địa phương và hầu hết cơ quan thông tấn báo chí; 21 tỷ lượt xem video tuyên truyền về nhận thức và kỹ năng số trên mạng xã hội; xây dựng cẩm nang an toàn trực tuyến để hướng dẫn người dân kỹ năng an toàn thông tin khi tham gia không gian mạng, thực hiện giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đã xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công thương triển khai các công tác trong lĩnh vực thương mại điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật