WinCommerce đã tìm được "công thức thành công" sau 3 năm về tay Masan?
Với động thái cấu trúc hiệu quả, Ebitda của WinCommerce đã cải thiện từ -7,4% của năm 2019 lên mức 3% vào năm 2022. Đây là con số biết nói sau 3 năm chuỗi bán lẻ này được sáp nhập và Tập đoàn Masan.
Tái cấu trúc, cải thiện hiệu quả hoạt động
Vào tháng 12/2019, Tập đoàn Masan (MSN) và Tập đoàn Vingroup hoàn thành thỏa thuận sáp nhập CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ Wincommerce (WCM – khi đó mang tên là Vincommerce) và Masan Consumer (MCH). Theo báo cáo trước đó của Vingroup, trong 6 tháng đầu năm 2019, lỗ từ mảng bán lẻ là hơn 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm "về tay" Masan, với chiến lược tái cấu trúc hiệu quả, WinCommerce không những giữ vững phong độ là chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam về quy mô với gần 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/Winmart+ mà còn đưa Ebitda "lội ngược dòng" từ -7,4% của năm 2019 lên mức 3% vào năm 2022.
Báo cáo thường niên 2022 của Masan Group đã tiết lộ lý do dẫn đến sự thay đổi này là nhờ các mô hình thử nghiệm mới, tăng cường quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, cải thiện hoạt động vận hành (điều chỉnh từ cấp cửa hàng đến chuỗi cung ứng) và triển khai chương trình Hội viên mới.
Cụ thể, về thử nghiệm mô hình mới, WCM đã ra mắt hệ sinh thái WIN Life, đưa trụ cột thứ nhất là 102 cửa hàng WIN tích hợp vụ nhu yếu phẩm, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ viễn thông và tài chính đi vào hoạt động. Đây là mô hình bán lẻ đột phá có khả năng đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày tại một địa điểm.
Phù hợp với những người tiêu dùng thành thị muốn tìm kiếm sự tiện lợi tối đa, các cửa hàng WIN đã mang lại mức tăng hơn 20% đối với doanh thu trên mỗi m2 so với mô hình cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm thông thường.
Vào quý 4/2022, Masan tiếp tục thử nghiệm mô hình cửa hàng mới phục vụ tại khu vực nông thôn với chi phí đầu tư và chi phí hoạt động thấp hơn, đồng thời danh mục hàng hóa sản phẩm có giá cả phải chăng hơn. Các cửa hàng này có mức doanh thu gia tăng từ 15 – 30%, cho thấy tiềm năng phục vụ 65% dân số Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn.
"Trái ngọt" từ chiến lược đổi mới – sáng tạo
Theo Masan Group, việc WCM sử dụng chiến lược đa dạng hóa mô hình cửa hàng, trong đó mỗi nhóm cửa hàng phục vụ nhóm người tiêu dùng, thời điểm và theo vị trí địa lý khác nhau sẽ củng cố vị thế của WinMart, WinMart+ và cửa hàng WIN tại khu vực thành thị và nông thôn, nơi lần lượt 35% và 65% người tiêu dùng Việt Nam sinh sống.
Đáng chú ý, ngành hàng sản phẩm tươi sống vào doanh thu đóng góp 28% vào doanh thu của WCM trong năm 2022. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp toàn hệ thống do đây là ngành hàng có biên lợi nhuận gộp tốt hơn so với các sản phẩm chế biến.
WCM cũng tạo dựng mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi với các nhà cung cấp để quảng bá sản phẩm của họ trên toàn quốc, đồng thời đưa ra thị trường các nhãn hàng riêng có giá thành phải chăng dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Việc này không chỉ giải quyết mối bận tâm của người tiêu dùng về giá cả hàng hóa trong bối cảnh lạm phát, mà còn tăng biên lợi nhuận gộp của WCM từ 20,0% vào năm 2021 lên 23,2% vào năm 2022.
Năm 2023, doanh thu của nhãn hàng riêng dự kiến sẽ tăng tỷ trọng trong tổng doanh thu của WCM lên mức khoảng 10 - 15% (từ mức 7% của năm 2022).
Chương trình Hội viên WIN – trụ cột thứ 2 của hệ sinh thái WIN Life được thí điểm vào quý 4/2022 và triển khai trên toàn quốc vào tháng 1/2023. Tính đến giữa tháng 4/2023, đã có 4 triệu khách hàng đăng ký tham gia. Chương trình khách hàng thân thiết này mang đến cho người tiêu dùng các chương trình ưu đãi xuyên suốt trong cả năm áp dụng cho các mặt hàng tươi sống, cùng với các ưu đãi hàng tháng và hàng tuần.
Do đó, không khó hiểu khi nó giúp WCM gia tăng khả năng thu hút khách hàng. Được biết, trong mỗi lần đến mua, các Hội viên WIN chi tiêu gấp 2-3 lần so với khách hàng thông thường. Hội viên WIN thực hiện 10 - 20 giao dịch mỗi tháng trong hệ sinh thái của Masan Group với thời gian tương tác từ 15 đến 25 giờ/tháng.
Chương trình Hội viên WIN là bước đầu tiên của Masan Group trong việc số hóa dữ liệu người tiêu dùng, và là bước khởi đầu trong hành trình ứng dụng công nghệ nhằm mang đến trải nghiệm vượt trội cho các khách hàng.
Với một loạt chiến thuật mới mẻ, trong năm 2022, doanh thu thuần của WCM đạt 29.369 tỷ đồng - giảm 5,0% so với năm trước. Nhưng nếu không tính đến ảnh hưởng của hoạt động tích trữ hàng tiêu dùng trong thời kỳ COVID-19 vào nửa cuối năm 2021, doanh thu của WCM đã tăng 6,4% trong năm 2022 mặc dù người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Về quy mô, trong bối cảnh khó khăn của năm 2022 khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải thu hẹp hệ thống hoặc dè chừng với việc mở mới, WCM vẫn tăng tốc mở rộng mô mô với hơn 700 siêu thị và cửa hàng được khai trương.
Theo Masan, bức tranh lớn hơn của Tập đoàn này là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống để thúc đẩy hiệu quả trong một thị trường bán lẻ phân mảnh và thiếu tổ chức. Nỗ lực này sẽ là những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan cho năm 2023 và xa hơn nữa.