A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngôi trường 7 năm liên tiếp được vinh danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp quốc gia

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 năm 2022 cấp quốc gia vừa khép lại. Ở mùa giải lần này, cậu học trò Nguyễn Bình Nguyên - lớp 9A1 trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) được xướng tên ở ngôi vị quán quân.

Điều đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên ngôi trường này được vinh danh Giải Nhất tập thể. Năm 2022 cũng đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp trường có học sinh đoạt giải ở cuộc thi này.

Ngôi trường 7 năm liên tiếp được vinh danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp quốc gia
BGH trường THCS Nguyễn Tri Phương trao giải Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 cấp trường

Mùa giải thứ 45, đó là học sinh Trần Ngọc Lân.

Mùa giải thứ 46, đó là học sinh Trần Diệu My.

Mùa giải thứ 47, đó là học sinh Nguyễn Ngọc Thủy Tiên.

Mùa giải thứ 48, đó là học sinh Nguyễn Trần Ban Mai.

Mùa giải thứ 49, đó là học sinh Trần Vĩnh Thăng, Trần Xuân Thành Nam và Đinh Anh Quân

Mùa giải thứ 50, đó là học sinh Lê Phương Nhi. Mùa giải thứ 51 - năm 2022, cái tên thứ 9 đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc của trường Xanh: Nguyễn Bình Nguyên học sinh lớp 9A1 đoạt giải Nhất cấp quốc gia và tên trường THCS Nguyễn Tri Phương lần đầu tiên được vinh danh giải Nhất tập thể.

Ngôi trường 7 năm liên tiếp được vinh danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp quốc gia
Cậu học trò Nguyễn Bình Nguyên - lớp 9A1 trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) được xướng tên ở ngôi vị quán quân.

Đặc biệt, Bình Nguyên là cộng tác viên của Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng. Cậu bé đã có 2 truyện ngắn đăng trên mục “Trang viết tuổi hồng” dành cho các cây bút nhỏ (tác phẩm “Giấc mơ” và “Tâm sự của cậu gà thời …Cô-vit”). Em cũng từng là thành viên đoàn học sinh Hà Nội dự Trại sáng tác trong Lễ tổng kết và trao giải Cây bút tuổi hồng của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Báo TNTP&NĐ tổ chức tại Đồng Tháp năm 2019. Trong Tạp chí văn học “Tàu lên chóp núi” của riêng tập thể 8A1 (năm học 2020-2021), Bình Nguyên vừa là một tác giả, vừa là một phần của Ban biên tập - một “cộng đồng viết” vui nhộn và cực kì cá tính.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Vietnam post và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức thường niên từ năm 1987 (có 2 năm bị gián đoạn) Trường THCS Nguyễn Tri Phương vào sân UPU quốc tế đã 8 mùa thi.

Ngôi trường 7 năm liên tiếp được vinh danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp quốc gia
Bình Nguyên và cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hương Giang

Tại vòng Chung khảo, sau khi tìm ra 4 bức thư có điểm số cao nhất, BGK sẽ mở một cuộc họp, dưới sự chủ trì của Trưởng ban Giám khảo (thường là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: nhà thơ Trần Đăng Khoa); các ủy viên sẽ trao đổi, thảo luận kỹ sau đó tiến hành bỏ phiếu kín để chọn 1 giải Nhất. Bài thi chiếm được 60% (hoặc hơn) số phiếu bầu từ Ban chung khảo Quốc gia sẽ được chọn trao giải Nhất và được các chuyên gia của Ban tổ chức dịch sang đồng thời cả tiếng Anh và tiếng Pháp, đại diện cho Việt Nam dự thi Quốc tế tại Tổng hành dinh của Liên minh Bưu chính Thế giới (thành phố Bern, Thụy Sĩ).

Ngay từ năm học đầu khai mở, BGH trường THCS Nguyễn Tri Phương với “người truyền cảm hứng” là cô giáo Hiệu trưởng Phạm Thị Hương Giang, đã chọn cho mình định hướng giáo dục toàn diện, năng động, đề cao các giá trị văn hóa, hình thành trong học trò nét đẹp phong cách con người đất Thăng Long văn hiến.

Vì vậy, các hoạt động văn chương sáng tạo khơi mở nguồn cảm hứng của học trò với chữ nghĩa, với sáng tác đã trở thành hoạt động thường niên rất được khuyến khích ở Nguyễn Tri Phương. Ban giám hiệu luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, các giáo viên gắn bó với Ngữ văn có một “không gian” rộng mở bên ngoài thi cử, bên ngoài sách giáo khoa để cùng học trò thỏa sức tìm tòi, thử nghiệm.

Ngôi trường 7 năm liên tiếp được vinh danh cuộc thi viết thư quốc tế UPU cấp quốc gia
Học sinh THCS Nguyễn Tri Phương đã liên tục giành giải trong các cuộc thi viết thư quốc tế

Văn chương với các cây bút nhỏ không chỉ khuôn gọn trong việc học tập mà còn giống như một “cuộc dạo chơi” đầy hứng thú, để khám phá cuộc sống xung quanh và khám phá chính bản thân mình; cũng là cách để ngôn ngữ có thể trở thành một phương tiện dễ dàng nhất, đẹp nhất cho các em bày tỏ cảm xúc, ngẫm nghĩ và những ước mơ.

Vì thế, văn học gắn bó với đời sống đích thực như là hơi thở. Các em viết trong giờ Ngữ văn, trong Câu lạc bộ, trong các cuộc thi. Viết để bộc lộ giãi bày, viết để bày tỏ chính bản thân mình. Viết - và được công nhận, trân trọng hết lòng.

Ở trong trường, bài viết của các em được tập hợp thành chuỗi giới thiệu như một mảng hoạt động học tập với phụ huynh học sinh. Những bài có chất lượng được chọn đăng website (thường có kèm ảnh tác giả, có nhuận bút). Ở một số lớp phong trào viết sôi nổi, có nhiều cây bút tích cực, các em còn tự tổ chức biên tập và thiết kế Tạp chí văn học, có thể kể đến: Thế giới kẹo mút, Vũ trụ trẻ con (3 tập), Tàu lên chóp núi. Tập san văn học nhà trường cũng là một sản phẩm độc đáo và thú vị kỉ niệm 5 năm thành lập THCS Nguyễn Tri Phương.

Ở ngoài trường, tác phẩm của các em được giới thiệu đến các sân chơi lớn: đăng báo (Thiếu niên tiền phong, Hoa trạng nguyên, Hoa học trò, Phụ nữ Thủ đô…) hay tham dự các cuộc thi viết dành cho các cây bút trẻ (UPU, Cây bút tuổi hồng, Em tập viết văn làm thơ, Mẹ trong tâm trí con, Viết về cuốn sách em yêu thích…).

Từ năm học thứ 2, học sinh THCS Nguyễn Tri Phương đã liên tục giành giải trong các cuộc thi này, rất nhiều em đã phát triển được khả năng viết lách của mình cả khi đã rời mái trường THCS.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan