A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du khách bắt sao biển lên bờ để chụp ảnh ở Phú Quốc

Dù hành động đã bị lên án nhiều lần, không ít du khách vẫn vô tư bắt hàng chục con sao biển ở Phú Quốc (Kiên Giang) lên bờ để xếp hình, chụp ảnh.

Ngày 26/4, tài khoản mạng xã hội có tên S.N. đăng tải clip một nam du khách đang bắt sao biển ở Rạch Vẹm (Phú Quốc). Người này xếp chúng lên bờ, căn chỉnh vị trí để chuẩn bị chụp ảnh. Tài khoản S.N. chia sẻ: "Mọi người ơi, dịp lễ sắp tới nếu có đến Rạch Vẹm, hãy hạn chế bắt sao biển lên bờ nhé. Vì một số loài chỉ sống được 30 giây đến một phút sau khi rời khỏi mặt nước".

Bài đăng nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Nhiều người bức xúc trước hành động thiếu ý thức của nam du khách. Năm ngoái, sự việc tương tự cũng gây ồn ào khi nhiều du khách tới Rạch Vẹm bắt sao biển lên bờ chụp ảnh, để phơi nắng khiến loài này chết khô.

Du khách bắt sao biển lên bờ chụp ảnh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển ở Phú Quốc. Ảnh: S.N.

Du khách bắt sao biển lên bờ chụp ảnh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển ở Phú Quốc. Ảnh: S.N.

Người dùng Vũ Huy bình luận: "Hướng dẫn viên nên phổ biến từ trên xe cho khách".

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng chính quyền nên có tấm bảng nhắc nhở, cấm du khách bắt sao biển lên chụp hình. Ý kiến này cũng nhận được sự tán đồng lớn từ cộng đồng mạng.

Trước đó, một lãnh đạo xã Gành Dầu (Phú Quốc) từng chia sẻ với Zing không có chuyện sao biển mắc kẹt trên bờ. Đó là do du khách bắt xong không thả lại xuống nước. Lãnh đạo này cũng đã nhắc nhở những chủ quán xung quanh nếu thấy khách bắt sao biển phải hướng dẫn thả lại xuống nước sau khi chụp hình.

Trao đổi với Zing, GS.TS. Đỗ Công Thung, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển, nhấn mạnh đây là hành động gây tổn hại đến môi trường. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định sao biển không thể sống quá lâu nếu thiếu nước.

Theo GS.TS. Đỗ Công Thung sao biển sống nhờ luồng nước đi qua các rãnh phía dưới để lấy oxy. Khi đưa lên bờ, sự tuần hoàn nước không còn, nó sẽ chết, đặc biệt dưới trời nắng khô.

"Chúng tôi từng ra biển để thu mẫu sao biển về nghiên cứu. Sau khi cho lên bờ một lúc, chúng chết ngay, thậm chí bốc mùi hôi thối. Hành động để xác sao biển chết khô trên bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Bởi khi chúng chết, các chất bên trong, đặc biệt là protein phân hủy tạo ra mùi, gây ô nhiễm xung quanh", GS.TS. Đỗ Công Thung nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan