Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch AgriS, 'công chúa mía đường' Đặng Huỳnh Ức My đã lèo lái các công ty gia đình kinh doanh ra sao?
Bà Đặng Huỳnh Ức My đã kế nhiệm mẹ là bà Huỳnh Ánh Ngọc, người được mệnh danh là "nữ hoàng mía đường" Việt nam để tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT. Trước đó, bà My đã có một hành trình dài lãnh đạo các công ty con của gia đình, tiêu biểu là công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) và chính công ty AgriS ở vai trò Phó Chủ tịch.
Ngày 13/7, Hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) đã bổ nhiệm bà Đặng Huỳnh Ức My giữ chức chủ tịch HĐQT của TTC AgriS. Trước khi được bổ nhiệm, bà My đã "lăn lộn" trên thương trường ở mảng mía đường từ 12 năm về trước.
Dưới sự dẫn dắt của bà My, công ty AgriS là công ty mía đường lớn nhất Việt Nam, chiếm 46% thị phần và Betrimex cũng đã thành công xuất khẩu nước dừa Cocoxim ra nhiều nước trên thế giới.
AgriS ước tính doanh thu cao nhất trong lịch sử bất chấp đường nhập lậu
Dưới thời kỳ bà My lãnh đạo, công ty AgriS đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Vừa qua, công ty AgriS ước tính kết quả kinh doanh sơ bộ niên độ tài chính 2023-2024 (tính từ 1/7/2023 – 30/6/2024) đạt 28.500 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Dự kiến, lợi nhuận trước thuế ở mức 875 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí, vượt 3% so với kế hoạch 850 tỷ. Đồng thời, TTC AgriS ghi nhận sản lượng 3,12 triệu tấn, là mùa vụ có lợi nhuận cao thứ 2 từ khi bà My lên nắm quyền.
Theo diễn giải báo cáo tài chính quý 3 niên độ 2023 – 2024, TTC AgriS đã hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Doanh thu thuần lũy kế đạt 19.544 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 682 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng có sự cải thiện khi đạt ~13%, tăng thêm 1,2% so với cùng kỳ.
Điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Theo chủ tịch VSSA Nguyễn Văn Lộc, thực trạng này đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành không bán được, đường tồn kho ở mức cao kỷ lục.
AgriS đồng thời cũng thu hút nguồn vốn ngoại khi đã huy động được 80 triệu USD nguồn vốn ngoại, nâng tổng số vốn huy động thành công lên đến 220 triệu USD từ các định chế tài chính Đài Loan, Trung Quốc. Số tiền ngân hàng giải ngân vượt gấp 2,26 lần so với số tiền thương thảo ban đầu.
Thương hiệu nước dừa Cocoxim vươn ra thế giới
Ngoài AgriS, bà My cũng đồng hành với công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Đây cũng là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nước dừa đóng hộp Cocoxim đang có mặt ở khắp các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên toàn quốc.
Nhận ra nguồn tài nguyên dừa ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng cách, trong khi ở các thị trường phương Tây loại quả này hiếm, bán với giá cao, Betrimex đã đưa ra hướng đi mới cho cây dừa từ vùng đất Bến Tre.
"Câu trả lời chính là đưa nước dừa tươi vào các hộp đóng sẵn mang nhãn hiệu Cocoxim", bà My chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.
Áp dụng chiến lược công nghệ cao trong quy trình sản xuất như chiến lược bà My làm với AgriS, Betrimex dùng công nghệ tiệt trùng UHT và "ép lạnh" để sản phẩm không phụ thuộc vào chất bảo quản hay tạo màu.
Năm 2017, Cocoxim bắt đầu đi ra thị trường thế giới khi được những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật… chấp nhận. Hiện, Cocoxim đã có mặt tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam.
Đồng thời, Betrimex cũng là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên được ngân hàng UOB cấp vốn tín dụng xanh.
Betrimex ghi nhận sản lượng gần 40 triệu lít trong năm 2023. Nhưng chỉ 10% sản lượng của họ bán trong nước, 90% còn lại đang được tiêu thụ ở 70 quốc gia.
Trong những năm tới, Betrimex đặt kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng sản xuất mỗi năm, chuẩn bị đối đầu trực tiếp với các đối thủ trên thị trường quốc tế và có thể lên sàn chứng khoán trong năm 2025.