Thương hiệu trà sữa mới nổi Phê La: Bán 42.000 sản phẩm/tháng giữa đại dịch, chung chủ với chuỗi trà chanh Tmore?
Chi nhánh Phê La tại Lê Văn Thiêm (Hà Nội) luôn tập trung đông đảo dân văn phòng vào buổi trưa – chiều. Trong khi đó, một thương hiệu đối thủ nằm ngay cạnh luôn trong tình trạng vắng khách và đã đóng cửa không lâu sau khi Phê La đến.
Hai tháng sau, Phê La khai trương cửa hàng thứ hai tại Hà Nội, với quy mô lên tới 200m2. Đây cũng là khởi đầu cho công cuộc “bành trướng” của thương hiệu mới nổi này. Các chi nhánh với không gian rộng, mật độ chỗ ngồi dày đặc liên tục được mở ra, hiện đã chạm mốc 15 cửa hàng. Trong đó Hà Nội có 9, Tp.HCM có 5, Đà Lạt có 1. Thiết kế các cửa hàng đều hướng theo concept cắm trại, xu hướng đang thịnh hành trong giới trẻ và khá khác biệt so với các thương hiệu “cây đa cây đề” hiện có trên thị trường.
Sản phẩm chủ đạo của Phê La gồm dòng trà sữa và cà phê, với nhiều thức uống làm từ trà ô long, có giá dao động trong khoảng 55.000-65.000 đồng/ly.
“Trà Ô Long đặc sản tại Phê La còn được ươm trồng với phương pháp chăm bón hữu cơ, hoàn toàn với trứng gà, đậu nành và thu hái thủ công để có được những búp trà tươi và non nhất, tạo nên điểm khác biệt mạnh mẽ so với các thương hiệu khác”, chuỗi này giới thiệu.
Thương hiệu này không mất nhiều thời gian để thu hút khách hàng. Phê La từng cho biết ngay trong 5 tháng dịch bệnh căng thẳng, hãng vẫn bán ra hơn 210.000 sản phẩm, tức trung bình 42.000 sản phẩm mỗi tháng.
Các cửa hàng Phê La tại Hà Nội đều duy trì được lượng khách đông đảo uống tại quán, thậm chí hết chỗ ngồi vào cuối tuần. Đơn cử như chi nhánh Lê Văn Thiêm (Hà Nội) luôn tập trung đông đảo dân văn phòng vào buổi trưa – chiều. Trong khi đó, một thương hiệu đối thủ nằm ngay cạnh luôn trong tình trạng vắng khách và đã đóng cửa không lâu sau khi Phê La đến.
Theo tìm hiểu, chuỗi Phê La được vận hành bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La, có địa chỉ tại số 24 ngõ 128C Đại La, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Công ty đươc thành lập vào 24/3/2020, do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện pháp luật. Các địa điểm kinh doanh của Phê La cũng đều do bà Nguyễn Hạnh Hoa làm đại diện.
Đáng chú ý, địa điểm kinh doanh Phê La Đặng Tiến Đông (tại 14 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội) do người phụ nữ này đứng đầu, có tên cũ là Công ty cổ phần Tmore – địa điểm kinh doanh Tmore. Đây là doanh nghiệp đang vận hành thương hiệu Tiệm trà Tmore, từng khá nổi tiếng trong giai đoạn mô hình cửa hàng trà chanh bùng nổ năm 2019-2020.
Tmore đi theo mô hình nhượng quyền. Hai năm đầu ra mắt, thương hiệu này đã có 176 cơ sở tại 36 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sau khi “trend” trà chanh thoái trào, không rõ hiện Tmore còn bao nhiêu cửa hàng.
Hiện nay, cả Tmore và Phê La đều đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong đó, chủ đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho Tmore là Công ty Cổ phần Tmore và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La. Còn nhãn hiệu Phê La với màu chữ màu tím được đăng ký bảo hộ bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Tra La, công bố ngày 26/10/2020.
Trên website chính thức của Phê La có đính kèm hạng mục nhượng quyền nhưng thương hiệu này chưa công khai bất kỳ thông tin nào liên quan đến chi phí hay chính sách nhượng quyền.