Tham vọng ít biết của Phúc Thành Group ở Lạng Sơn
Được sáng lập bởi CTCP Đầu tư Lạc Hồng và Phúc Thành Group, Lạc Hồng Phúc chỉ mất ít năm để gây dựng danh tiếng ở Hưng Yên. Doanh nghiệp này vừa trở thành nhà tài trợ quy hoạch cho dự án rộng 386,8ha ở Lạng Sơn.
Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch, nhà ở Xứ Lạng Thuỷ Vân Sơn, tại xã Bắc La, huyện Văn Lãng, theo tỉ lệ 1/2000.
Theo đó, quy mô diện tích lập quy hoạch cho dự án này lên tới 386,8ha, bao gồm 6 phân khu chức năng, với quy mô dân số dự kiến từ 1.000 – 2.000 người. Đơn vị tài trợ chi phí lập quy hoạch là CTCP Đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc (Lạc Hồng Phúc).
Theo nguồn tin của VietTimes, từ cuối tháng 3/2021, Lạc Hồng Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về một số dự án mà công ty này quan tâm nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận cho Lạc Hồng Phúc được khảo sát, lập quy hoạch xây dựng và nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư các dự án "Khu du lịch Xứ Lạng Thuỷ Vân Sơn" và "Cải tạo tuyến đường giao thông kết hợp xây dựng khu dân cư, nhà ở liền kề, biệt thự để bán, khu dịch vụ thương mại” tại các xã Bắc La, Bắc Việt, Tân Tác, huyện Văn Lãng.
Thành lập từ tháng 7/2016, Lạc Hồng Phúc là chủ đầu tư dự án "Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại Lạc Hồng Phúc" ở tỉnh Hưng Yên.
Công ty này ban đầu có vốn điều lệ 125 tỉ đồng, được sáng lập bởi 3 pháp nhân, bao gồm: CTCP Đầu tư Đô thị Phúc Thành (viết tắt: Phúc Thành; sở hữu 99,8% vốn điều lệ); CTCP Đầu tư Lạc Hồng (viết tắt: Lạc Hồng; sở hữu 0,1% VĐL) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hải Đăng Hưng Yên (sở hữu 0,1% VĐL).
Như VietTimes từng đề cập , Lạc Hồng là cựu thành viên của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp). Dưới sự chèo lái của ông Lê Xuân Trường, Lạc Hồng là chủ đầu tư của loạt dự án mang tính biểu tượng ở tỉnh Vĩnh Phúc như: Khách sạn Lâu đài Tam Đảo (400 tỉ đồng); Khách sạn Venus Tam Đảo (400 tỉ đồng); Cáp treo Tây Thiên (260 tỉ đồng). Tính đến tháng 5/2018, Lạc Hồng đã triệt thoái vốn khỏi Lạc Hồng Phúc.
Trong khi đó, Phúc Thành được thành lập từ tháng 4/2010, là nhà phát triển bất động sản có tiếng ở tỉnh Hưng Yên, nổi bật là dự án "Khu nhà ở liền kề để bán Phúc Thành", ở thị xã Mỹ Hào.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Lạc Hồng Phúc tại Hưng Yên
Tính đến tháng 4/2016, trước khi thành lập Lạc Hồng Phúc, Phúc Thành đã tăng vốn lên 160 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông đều là các cá nhân có địa chỉ thường trú tại Hưng Yên, bao gồm: bà Phạm Thị Nhật (62,5% VĐL); ông Nguyễn Hải Hoà (30,625% VĐL) và ông Phạm Văn Tiệp (6,875% VĐL).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, giai đoạn 2019 – 2021, Phúc Thành có 3 đợt tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên gấp 7,5 lần, đạt mức 1.200 tỉ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đổi tên thành CTCP Tập đoàn Đô Thị Phúc Thành (Phúc Thành Group), do bà Phạm Thị Nhật (SN 1981) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tương tự Phúc Thành, trong giai đoạn kể trên, Lạc Hồng Phúc cũng tiến hành tăng vốn lên 600 tỉ đồng. Cùng với đó, ghế giám đốc của công ty này liên tục đổi chủ, lần lượt do bà Phạm Thị Nhật, ông Mai Duy Phan, ông Nguyễn Bá Hải, và bà Nguyễn Thị Thuý Nga đảm nhiệm.
Sinh năm 1976, bà Nguyễn Thị Thúy Nga còn là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Sen Hồ (Sen Hồ). Doanh nghiệp này được Phúc Thành Group, bà Phạm Thị Nguyệt và bà Nguyễn Thị Thuý Nga sáng lập vào tháng 4/2021.
Ít tháng sau khi đi vào hoạt động, Sen Hồ đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận việc khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và chủ trương phê duyệt dự án "Khu nhà ở sinh thái" tại thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.
Vị trí các dự án Green Sea City đề xuất ở Lạng Sơn
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hải (SN 1982) và bà Phạm Thị Nhật là những cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư và Phát triển Green Sea City (Green Sea City).
Doanh nghiệp này từng đề xuất khảo sát, lập quy hoạch chi tiết dự án Trung tâm thương mại quốc tế hữu nghị Việt – Trung tại thôn Cốc Lĩnh và thôn Hợp Nhất, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Tháng 7/2021, Green Sea City đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất điều chỉnh tên và mục tiêu dự án thành: (1) Nhà máy chế biến nông sản và các sản phẩm khác, quy mô 43ha, tổng mức đầu tư 650 tỉ đồng; và (2) Khu nhà ở hỗn hợp sinh thái, quy mô 55ha, tổng mức đầu tư 750 tỉ đồng./.