Tân binh chen chân vào "chiến địa" ngành sữa: Tuyên bố làm "sữa nguyên bản", nhắm vào phân khúc cao cấp, dù chưa có vùng nguyên liệu và nhà máy
Để có thể sống sót trong ngành sữa đang có nhiều ‘tay to’ và được đánh giá là một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất, ‘tân binh’ DALATTE đã chọn ngách cao cấp để ‘chiến đấu’. Sữa tươi của DALATTE phát triển theo tiêu chuẩn Clean Label và là sản phẩm nguyên bản đầu tiên trong ngành sữa Việt Nam, nên giá của nó cũng cao vượt trội so với các đàn anh đi trước…
Ngày 8/11, thị trường sữa Việt Nam chính thức đón chào tân binh Công ty Cổ phần Thực phẩm DALATTE với sản phẩm sữa tươi nguyên bản mang thương hiệu DALATTE. Doanh nghiệp mới này tọa lạc tại huyện Đơn Dương – tỉnh Lâm Đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đại diện pháp luật cho Thực phẩm DALATTE là ông Ngô Văn Thanh (sinh năm 1982) – quê quán Bắc Ninh, còn Giám đốc điều hành là ông Nguyễn Hoàng Anh. Trong sự kiện ra mắt thương hiệu và công ty DALATTE, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết: vì mới thành lập và để nhanh chóng có sản phẩm chào thị trường, hiện tại họ chưa có vùng nguyên liệu lẫn nhà máy.
Về nhà máy, doanh nghiệp đang thuê nhà máy có công nghệ cao nhất thị trường sản xuất sữa tươi cho mình. Nhà máy của họ tại Bình Dương vẫn trong quá trình xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2023. Nhà máy này sẽ trang bị công nghệ hiện đại và có công suất đủ để sản xuất tất cả các dải sản phẩm mà DALATTE muốn trong tương lai.
“ Tôi không thể tiết lộ cụ thể số vốn đầu tư mà chúng tôi sẽ đổ ra trong khoảng 2 hoặc 5 năm tới, nhưng tôi có thể khẳng định: chúng tôi sẽ đủ vốn để đi đường dài cũng như sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường ”, Giám đốc điều hành DALATTE tiết lộ.
Sử dụng thực phẩm nguyên bản và sạch đang là 2 xu hướng lớn của người tiêu dùng trong vài năm gần đây. Trong khi thị trường sữa Việt Nam mới chỉ có thương hiệu sữa định vị "sạch" ngay từ khi ra mắt (TH True Milk). Để tăng lợi thế cạnh tranh, DALATTE đã chọn hướng phát triển theo cả 2 xu hướng nói trên.
Theo chia sẻ từ đại diện công ty, sữa tươi nguyên bản khác các loại sữa phổ thông bán trên thị trường như sau: sữa tươi phổ thông cũng được làm từ sữa tươi tự nhiên nhưng trong quá trình sản xuất đã làm mất một vài yếu tố dinh dưỡng ban đầu; còn sữa tươi nguyên bản cũng được làm từ sữa tươi tự nhiên và luôn cố gắng giữ tất cả tinh chất ban đầu trong khả năng có thể.
Còn các sản phẩm được coi là chuẩn Clean Label sẽ có thông tin minh bạch, được làm từ thành phần tự nhiên, dễ nhận diện, nguồn gốc bền vững, không chứa các chất phụ gia tổng hợp (tạo mùi/màu) hay các chất không tốt cho sức khoẻ...
“ 68% người tiêu dùng toàn cầu thích mua sản phẩm không có phẩm màu hoặc 100% tự nhiên hơn sản phẩm phổ thông, 41% người Brazil cho biết họ đang cố tạo thói quen ăn uống tốt đồng ý rằng ‘những gì họ ăn ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần’, 58% người tiêu dùng ở thế hệ Baby Boomers và 55% Millenials nói rằng ‘họ sẽ làm mọi thứ để có thể thúc đẩy và giữ sức khỏe thể chức lẫn tinh thần’ …
Rõ ràng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe bền vững và một lối sống tích cực, để tận hưởng giá trị đích thực của cuộc sống. Đó là lí do mà họ ngày càng yêu thích những điều nguyên bản, thích trở về với tự nhiên đơn sơ, thuần khiết. Và cũng chính điều này đã tạo nên một xu hướng mới trong ngành thực phẩm - Clean Label.
Khác với Việt Nam, Clean Label là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu ở châu Âu. Tại châu Âu, từ năm 2013, Clean Label đã chiếm trung bình khoảng 27% tổng lượng thực phẩm có nhãn mác mà người dân lục địa này tiêu dùng. Tại Anh, Clean Label chiếm 33%, Hà Lan 23% và Đức 32%, Pháp 35%... ”, ông David Jackson - CEO Colliers Vietnam đồng thời là chuyên gia marketing, nêu cụ thể.
“ Khái niệm nguyên bản chỉ mới ở Việt Nam chứ trên thế giới đã có từ lâu. Vì sao Việt Nam – trước DALATTE chưa có? Đơn giản vì nó không dễ làm, bởi nguyên bản là phải đi từ vùng nguyên liệu, bộ phận R&D, nhà máy sản xuất hiện đại….
Thị trường sữa tại Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc đối với các dòng sản phẩm hướng về tự nhiên, sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp ngành sữa hướng đến sự phát triển và đưa ra thị trường các dòng sữa tươi nguyên bản ”, bà Phạm Thị Ngọc nhận định.
Với những tiêu chuẩn kể trên, không ngạc nhiên khi giá bán của thương hiệu mới này khá cao nếu so với các đàn anh.
Trên website của mình: DALATTE khuyến nghị giá bán 276.000 đồng cho 1 thùng 48 hộp thể tích 110ml và 432.000 đồng cho 1 thùng 48 hộp thể tích 180ml. Trên website Bách Hóa Xanh, 1 thùng sữa tươi có đường 48 hộp thể tích 180ml của Vinamilk có giá 345.000 đồng, của Nestle vị chocolate giá 348.000 đồng, Dalat Milk ít đường giá 365.000 đồng, TH True Milk dâu giá 400.000 đồng…