Samsung cắt sản lượng của 1 trong những sản phẩm quan trọng nhất, tham vọng chiếm thị phần 'hụt hơi' khi dự báo lợi nhuận giảm 96%
Công ty lớn nhất Hàn Quốc quyết định giảm sản lượng chip sau khi ghi nhận lợi nhuận thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Samsung cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng chip xuống một mức hợp lý. Đây là động thái mà các đối thủ của công ty chờ đợi, sau khi lượng hàng tồn kho tăng cao khiến giá cả và lợi nhuận đều lao dốc. “Gã khổng lồ” ngành sản xuất chip đã trì hoãn việc cắt giảm sản lượng trong những tháng gần đây, một phần là để giành thị phần từ các đối thủ.
Samsung cho biết trong một thông báo: “Theo đánh giá, công ty đã đảm bảo số lượng đủ để đáp ứng những thay đổi về nhu cầu chip trong tương lai. Chúng tôi đang điều chỉnh để giảm sản lượng xuống mức hợp lý, tập trung vào các sản phẩm đã đủ nguồn cung bổ sung, cũng như tối ưu hoá các hoạt động của dây chuyền đang có.”
Lượng hàng tồn kho của Samsung đã tăng lên 52,2 nghìn tỷ won vào cuối năm ngoái, sau khi công ty này liên tục sản xuất bất chấp nhu cầu sụt giảm. Ngược lại, các đối thủ như SK Hynix và Micron Technology đã giảm sản lượng để giải phóng kho chip cũ.
Tuy nhiên, Samsung phát tín hiệu họ vẫn không rút lại chiến lược sản xuất tích cực. Công ty cho biết: “Chúng tôi cắt giảm các kế hoạch sản xuất ngắn hạn, nhưng khi nhu cầu vững chắc trong trung và dài hạn thì chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế dẫn đầu.”
Công ty lớn nhất Hàn Quốc trước đây cảnh báo rằng lợi nhuận quý I sẽ sụt giảm do doanh số bán hàng chậm lại. Tuy nhiên, giá chip đã giảm mạnh hơn so với dự đoán, do nhu cầu trì trệ với nhiều loại thiết bị điện tử, từ smartphone cho đến máy tính, khi nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp lo ngại rủi ro suy thoái. Dù đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn không hồi phục nhanh như một số người dự đoán.
Đại dịch đã “tàn phá” ngành sản xuất chất bán dẫn, khiến nhiều công ty lớn nhất cũng phải chật vật để bắt kịp những thay đổi của thị trường. Nhu cầu tăng vọt khi người tiêu dùng phải ở trong nhà “tránh dịch”, họ ồ ạt mua máy tính và điện thoại mới. Xu hướng này nhanh chóng đảo ngược khi các quy định hạn chế được dỡ bỏ và nền kinh tế toàn cầu hứng chịu những cú sốc lớn, như lạm phát, lãi suất tăng cao và mâu thuẫn Nga - Ukraine.
Micron, nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ, cho biết hàng tồn kho đang sụt giảm và dự đoán sự cải thiện với cung-cầu sẽ diễn ra từ từ. Trong khi đó, các giám đốc điều hành của Hynix cho biết việc cắt giảm sản lượng của các nhà cung cấp chip sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm và giúp tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục cũng phụ thuộc vào việc các công ty trong ngành cắt giảm nguồn cung.
Hiện tại, “gã khổng lồ” Hàn Quốc vẫn không rút lại kế hoạch chi tiêu vốn và sản xuất. Trước đây, công ty lựa chọn không giảm tốc độ mở rộng trong những thời điểm khó khăn, nhằm giành thị phần từ các đối thủ.
Samsung đang chi hàng trăm tỷ USD để xây dựng khu phức hợp chip lớn nhất thế giới ở Hàn Quốc và cơ sở mở ở Mỹ. Tập đoàn này cũng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ và Hàn Quốc để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Một lý do giúp Samsung vẫn đứng vững dù lợi nhuận sụt giảm trong quý vừa qua là dòng Galaxy S23 mới được ra mắt. Theo nhà phân tích Kim Kwangjin của Hanwha Investment & Securities, doanh số của dòng điện thoại này đạt khoảng 11 triệu chiếc trong 3 tháng đầu năm, tăng 50% so với mẫu trước. Ông ước tính, lợi nhuận của mảng smartphone tăng 123% so với quý trước lên 3,3 nghìn tỷ won.
Theo Bloomberg, việc Samsung cắt giảm nguồn cung có thể sẽ làm tăng giá chip và đây là bước quan trọng để hồi phục lợi nhuận. Song, hiện vẫn chưa rõ liệu căng thẳng Mỹ - Trung về chất bán dẫn có thể ảnh hưởng như thế nào trong những năm tới.
Tham khảo Bloomberg