Nhờ du lịch phục hồi ấn tượng, doanh thu một doanh nghiệp hàng không được dự báo tăng trưởng 260%
Du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ kéo theo kết quả kinh doanh ấn tượng của doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không, điển hình là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST).
Sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đã đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng.
Theo thống kê từ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt), 733.000 lượt du khách quốc tế. Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.
Sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài.
Du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ kéo theo kết quả kinh doanh ấn tượng của doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không, điển hình là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST).
Taseco hiện là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay lớn.
Tiền thân là Công ty Cổ phần Taseco Nội Bài, đã có hơn 17 năm kinh nghiệm kinh doanh bán lẻ tại các sân bay với việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (NIA) vào năm 2005. Sau khi chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty, AST đã hợp nhất với các công ty con khác của Tập đoàn Taseco hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (DIA) và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) để trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ sân bay của Việt Nam.
Hiện tại, Taseco đã thành lập chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với tổng số 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay trọng điểm của Việt Nam, tập trung phần lớn ở NIA và DIA. Chuỗi bán lẻ sân bay của AST vượt trội so với đối thủ theo sau là Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Miền Nam (SAS) với ước tính khoảng 50 cửa hàng tập trung tại TIA.
Taseco còn sở hữu 27% cổ phần tại CTCP Dịch vụ Suất ăn Việt Nam (VINACS). VINACS hiện đang vận hành hai nhà máy cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cam Ranh, cung cấp suất ăn trên máy bay cho các hãng hàng không với tổng công suất thiết kế 20.000 suất ăn/ngày.
Từ cuối tháng 7/2022, Taseco đã mở lại tất cả các cửa hàng của công ty tại các nhà ga trong nước, trong khi chỉ khoảng 65% cửa hàng của công ty tại các nhà ga quốc tế mở cửa trở lại.
Công ty chứng khoán SSI dự báo trong năm 2022 doanh thu của AST sẽ tăng 260% lên 555 tỷ đồng, với giả định doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng sẽ phục hồi đạt khoảng 40% của năm 2019 so với hệ số phục hồi thấp chỉ đạt 1 chữ số vào năm 2021.
Lợi nhuận của công ty này được dự báo sẽ đạt 10 tỷ đồng chủ yếu là do khả năng sinh lời của công ty thấp hơn kỳ vọng của SSI trong 6 tháng đầu năm 2022.
Công ty chứng khoán này cũng dự đoán nguồn khách từ Đông Á sẽ tăng tốc mở cửa trở lại vào quý 4/2022, do đó sẽ kích hoạt một giai đoạn tăng trưởng mới của lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Để nâng cao tỷ suất lợi nhuận, Taseco cho biết đang chuyển trọng tâm sang phân khúc có mức sinh lời cao hơn là nhà hàng thức ăn nhanh. AST cho biết các nhà hàng mở cửa trở lại có diện biến hoạt động tốt hơn các cửa hàng lưu niệm trong quý 2/2022. Hiện tại, công ty này đang có 26 cửa hàng thức ăn nhanh, và việc mở rộng cửa hàng trong tương lai sẽ ưu tiên phát triển các nhà hàng thức ăn nhanh.
Ngoài ra, Taseco có kế hoạch chuyển đổi một số cửa hàng lưu niệm hiện tại thành nhà hàng thức ăn nhanh khi dự kiến biên lợi nhuận của các nhà hàng này sẽ tiếp tục cao hơn các cửa hàng lưu niệm.