Năm rực rỡ của cổ phiếu “họ” FPT, vẫn có một cái tên “lạc lõng”
Cổ phiếu FPT, FPT Retail, FPT Telecom, FPTS đều tăng mạnh, thậm chí lên lập đỉnh lịch sử mới, duy nhất chỉ có FPT Online “lạc lõng”.
Quý Mão nhìn chung là một năm không dễ dàng đối với nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam dù VN-Index đã hồi về gần 1.200 điểm. Rất nhiều cổ phiếu trồi sụt thất thường, thậm chí chưa thoát khỏi vùng đáy. Trong bối cảnh đó, các cổ phiếu "họ" FPT trở thành điểm sáng khi FPT, FPT Retail, FPT Telecom, FPTS đều tăng mạnh, thậm chí lên đỉnh lịch sử.
FPT - tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam
Sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, cổ phiếu FPT đã bất ngờ tăng tốc ngoạn mục từ đầu tháng 2 qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới 104.900 đồng/cp. Vốn hóa thị trường tương ứng hơn 133.000 tỷ đồng (~5,5 tỷ USD), tăng gần 50% so với thời điểm cách đây một năm. Con số này cũng đưa FPT trở lại top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán sau nhiều năm vắng bóng, đồng thời củng cố vững chắc vị trí số 1 trong ngành công nghệ tại Việt Nam.
Trong năm 2023, FPT cũng đã quyết liệt mở rộng thị trường thông qua M&A trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. FPT đã mở rộng phạm vi địa lý bằng việc mua lại 3 công ty Mỹ và 1 công ty EU trong năm 2023, nhờ đó tăng cường đáng kể khả năng công nghệ và năng lực bán hàng. Cụ thể, FPT đã công bố việc mua lại Intertec vào tháng 2, Landing AI (Mỹ) vào tháng 10, Cardinal Peak (Mỹ) vào tháng 11 và Aosis (Pháp) vào tháng 12.
FPT Telecom (FOX) – cái tên tỷ USD ngành viễn thông
Một doanh nghiệp đầu ngành khác mang "họ" FPT là FPT Telecom (FOX) cũng bứt phá rất mạnh trong năm vừa qua. Cổ phiếu này đã tăng hơn 60% trong năm Quý Mão và hiện đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử với thị giá 61.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 30.000 tỷ đồng (~1,3 tỷ USD). Con số này giúp FPT Telecom giữ vững vị trí số 1 về vốn hóa trong ngành viễn thông trên sàn chứng khoán.
Lũy kế cả năm 2023, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.806 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.428 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 8% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục doanh nghiệp này từng đạt được trong một năm. Kết quả này đã nối dài chuỗi tăng trưởng lợi nhuận lên 6 năm liên tiếp.
Cũng lập đỉnh lịch sử nhưng đà bứt phá của cổ phiếu FPT Retail (FRT) thậm chí còn gây ấn tượng hơn. Sau một năm, thị giá FRT đã tăng gấp đôi lên mức 125.000 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 17.000 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 3 lần so với thời điểm cổ phiếu FRT mới chào sàn chứng khoán cách đây gần 6 năm.
Năm 2023, FPT Retail đã tiếp tục mở rộng chuỗi Long Châu với 560 cửa hàng mở mới, nâng số lượng nhà thuốc ra doanh thu lên 1.497 cửa hàng. Con số này đưa Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam. Doanh thu bình quân mỗi nhà thuốc trên một tháng vẫn duy trì 1,1 tỷ đồng năm 2023, các cửa hàng mới mở chỉ cần khoảng 6 tháng để đạt điểm hoà vốn.
FPTS (FTS) - cổ phiếu tăng bằng lần
Dù chưa vượt đỉnh lịch sử trong năm Quý Mão vừa qua nhưng cổ phiếu chứng khoán FPT (FPTS, mã FTS) đã gây ấn tượng rất mạnh với mức tăng đến 150%. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 48.650 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 10.400 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn khoảng 6% so với mức cao nhất mà công ty chứng khoán này từng đạt được hồi tháng 11/2021.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế luỹ kế cả năm vẫn tăng gần 23% so với năm 2022, đạt gần 542 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Với kết quả đạt được, công ty chứng khoán này đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
FPT Online (FOC) - cổ phiếu cùng chiều lợi nhuận
Khác biệt nhất trong "họ" FPT, FPT Online (FOC) lại có một năm Quý Mão đáng quên khi thị giá giảm gần 27%. Cổ phiếu này thậm chí còn có thời điểm rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ khi lên sàn. Vốn hóa thị trường tương ứng 1.400 tỷ đồng, nhỏ nhất trong số các doanh nghiệp "họ" FPT trên sàn chứng khoán.
Lũy kế cả năm 2023, FPT Online ghi nhận doanh thu đạt 620 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 113 tỷ đồng, giảm 54% so với thực hiện năm 2022. Đây là mức lợi nhuận mức thấp nhất của doanh nghiệp này đạt được kể từ năm 2015.