A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa doanh nghiệp nhìn từ một chuyến đi thực tế của nhà văn

Với doanh nghiệp, văn hóa là tầm nhìn của người đứng đầu, là kỷ luật trong nhà máy, là quy chế buộc người thợ phải thực hiện, là quan tâm đến người lao động.

Văn hóa doanh nghiệp nhìn từ một chuyến đi thực tế của nhà văn

Đoàn nhà văn thực tế tại Thaco tháng 6.2023. Ảnh: CẦM SƠN

Tôi biết tới Công Ty Trường Hải lâu rồi, từ những năm 2000 đầu thế kỷ XXI và cũng mang máng hiểu đó là công ty lắp ráp ô tô tải. Thế rồi, cho đến khi cùng đoàn nhà văn đến Trường Hải do Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân - công đoàn tổ chức, tôi mới bất ngờ: Thaco là một tập đoàn kinh tế lớn đa ngành chứ không phải là chỉ ôtô.

Dù được giới thiệu Thaco là Tập đoàn Công nghiệp đa ngành trong các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế Việt Nam, bao gồm: THACO AUTO (Ô tô), THACO AGRI (Nông nghiệp), THACO INDUSTRIES (Cơ khí chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ), THADICO (Đầu tư - Xây dựng), THISO (Thương mại - Dịch vụ) và THILOGI (Logistics)… với những con số ấn tượng thì điều làm tôi quan tâm và bất ngờ hơn cả đó chính là Văn hóa doanh nghiệp ở đây. Có lẽ đó chính là nền tảng để Thaco phát triển như bây giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn tại Hội nghị Văn hóa tổ chức hồi tháng 11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Đấy là cái chung. Còn với doanh nghiệp, văn hóa là tầm nhìn của người đứng đầu, là kỷ luật trong nhà máy, là quy chế buộc người thợ phải thực hiện, là quan tâm đến người lao động.

Tôi nghĩ, doanh nhân Trần Bá Dương lấy tên con trai mình “Trường Hải” để đặt tên công ty cũng phần nào có ý nghĩa chuẩn bị cho thế hệ thứ hai sẽ nối nghiệp ông. Quyết liệt ngay từ khi khai sinh ra công ty, con người có chí lớn như vậy, sẽ không thể chấp nhận thất bại.

Đoàn nhà văn thực tế tại Thaco tháng 6.2023. Ảnh: CẦM SƠN

Đoàn nhà văn thực tế tại Thaco tháng 6.2023. Ảnh: CẦM SƠN

Tôi biết, ở Thaco không có một thứ được gọi là văn hóa nhiệm kỳ. Trần Bá Dương không phải văn hóa ấy.

Văn hóa doanh nghiệp của Thaco, nhất là Thaco Chu Lai mà tôi thấy được, đó là kỷ cương phép tắc và kỷ luật nghiêm minh.

Xe điện đưa chúng tôi đi khắp các nhà máy của Thaco ở Chu Lai; cho dù chưa đi khắp nhà máy, nhưng những chỗ đi qua, tôi đều thấy những biển đề: Kỷ luật là nguyên tắc. Như nguyên tắc 8T: Tận tâm - Trung thực - Trí tuệ - Tự tin - Tôn trọng - Trung tín - Tận tình - Thuận tiện.

Tôi được biết, 4 cụm từ đầu dành cho người trong tập đoàn. 4 cụm từ sau giành cho đối tác, hay một bên của hợp đồng. Hay quá! Nếu đối tác được tôn trọng, được trung tín và được tận tình, thuận tiện thì còn gì bằng. Người ta sẽ bắt tay rất chặt.

Hay tại một cửa ra của một nhà máy, tôi thấy biển đề: Trở về căn bản. Khẩu hiệu này ngắn gọn, đầy triết lý. Bạn có thể hiểu là cái tâm thiện, có thể hiểu là cái gốc Trung thực, cái hiệu quả, cái nhân cách... là cái đích đến.

Nhưng khi một nơi khác có khẩu hiệu 5 "S" thì bạn phải hiểu cụ thể cái súc tích: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng. Cái 5 "S" ấy không chỉ nơi làm việc mà cả trong gia đình, trên một chỗ ngồi làm việc riêng trước máy tính hay bàn làm việc.

Hay khẩu hiệu: Mỗi nhân sự là một đại sứ thương hiệu, là đã nhắc nhở tất cả những người làm trong Tập đoàn Thaco hãy làm việc vì uy tín của Thaco.

Một chỗ khác có khẩu hiệu: Kỷ luật - Công nghiệp - Sáng tạo - Thay đổi thì bạn phải hiểu là kỷ luật nhưng phải linh hoạt. Tất cả những người trẻ sống ở tập đoàn này, với triết lý ấy, họ sẽ rất hào hứng làm việc. Đó là Văn hóa kỷ luật và con người công nghiệp mà ông chủ của Tập đoàn Thaco là Trần Bá Dương đã tạo ra.

Tôi hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Một (hiện là Giám đốc truyền thông của Thaco) đã về đầu quân cho Thaco. Văn hóa doanh nghiệp cũng là chỗ đó. Những câu khẩu hiệu đã nói cả cho chủ và khách cả rồi. Những khẩu hiệu trên là linh hồn của Văn hóa Tập đoàn Thaco, của 60.000 người đang làm cho Thaco.

Văn hóa doanh nghiệp Thaco, đấy là khen thưởng và khuyến khích thích đáng. Công nhân tiên tiến, lao động giỏi... những danh từ ấy tôi tưởng chỉ có của thời bao cấp và quản lý Nhà nước. Tôi có một tư duy sai lầm sau khi các doanh nghiệp cổ phần hóa: Các quan hệ chủ thợ, đó là trả tiền sòng phẳng, lạnh lùng, không cần khen chê gì cả. Tôi nhầm to. Con người cần khuyến khích. Muôn đời đều thế. Khen đúng thời điểm làm công nhân nhiệt tình làm việc hơn.

Một công nhân ở Thaco Chu Lai khoe với tôi là đã 4 lần được thành tích Xuất sắc và được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cấp bằng khen.

Đó là minh chứng về việc Tập đoàn Thaco quan tâm đến đời sống gia đình của công nhân lao động. Tôi gặp một công nhân tiên tiến. Anh tên là Nguyễn Văn Luyện, quản đốc xưởng Sơn, Công ty THACO MAZDA. Hỏi có nhà chưa, có rồi. Tiền đâu. Công ty hỗ trợ. Cho vay à. Cho hẳn. Tôi trố mắt với con số mà anh nói, ông Trần Bá Dương cho 200 triệu đồng. Tôi nhắc lại 200 triệu đồng à. Vâng cho 200 triệu đồng. Và anh Luyện đã gắn bó với Thaco Chu Lai 21 năm rồi. Như thế có nghĩa là những người khác cũng có thể được như thế.

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Quý, người Hà Trung, Thanh Hóa, chị cũng bảo chị làm ở đây đã 20 năm và Thaco cũng cho 200 triệu đồng khi làm nhà. Chị còn vận động chồng, con gái, con rể, con dâu và 3 em gái vào làm cho Thaco Chu Lai (10 người). Được quan tâm thế thì ai chả muốn vào làm cho Thaco. Và vì thế mới có 60.000 người làm cho Thaco.

Một chuyến thực tế cho các nhà văn tuy ngắn ngủi nhưng đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất trong mắt tôi chính là văn hóa doanh nghiệp đã thấy một THACO với một tầm nhìn xa về con người, một nhân cách, một tư duy văn hóa Trần Bá Dương.


Tác giả: NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC
Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/van-hoa-doanh-nghiep-nhin-tu-mot-chuyen-di-thuc-te-cua-nha-van-1302620.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan