A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung

Ngày 12/9, tại Đà Nẵng, Samsung Việt Nam,Cục Công nghiệp Bộ Công Thương và Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và Khu vực miền Trung.

Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung - Ảnh 1.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng năm 2023, thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023 của Bộ Công Thương

Tham dự lễ ký kết có ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương; ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng; ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng.

Về phía Samsung Việt Nam, có ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam; ông Kim Tae Hoon, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam và ông Kim Yong Sup, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối Ngoại Samsung Việt Nam.

Tiếp nối thành công tại khu vực phía Bắc và phía Nam, dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục được nối dài tới khu vực miền Trung, với điểm đến đầu tiên là thành phố Đà Nẵng, nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, thông qua việc tư vấn thiết lập nhà máy thông minh và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, từ đó giúp các công ty Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo biên bản ghi nhớ, các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách các doanh nghiệp địa phương tiềm năng cho dự án; Thực hiện tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy; Lựa chọn doanh nghiệp và nhân lực phù hợp tham gia Dự án thông qua việc khảo sát và phỏng vấn; Thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh.

Trong đó, chương trình tư vấn thiết lập nhà máy thông minh sẽ kéo dài trong 12 tuần, bao gồm đào tạo lý thuyết và tư vấn trực tiếp tại mỗi doanh nghiệp. Trong thời gian này, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu tại buổi lễ.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ”.

Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung - Ảnh 3.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, phát biểu tại buổi lễ.

Còn ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số đã đưa sự hợp tác và phát triển của các quốc gia trên thế giới lên một cấp độ hoàn toàn mới. Trên cơ sở các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về kinh tế thương mại, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố”.

Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung - Ảnh 4.

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Chia sẻ về ý nghĩa dự án, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và thành phố Đà Nẵng ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện việc cam kết mở rộng hỗ trợ dự án xây dựng nhà máy thông minh tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Trên nền tảng là triết lý kinh doanh đồng thịnh vượng, trong thời gian tới, Samsung Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với chính phủ và các các cơ quan hữu quan của Việt Nam, mở rộng các hoạt động đào tạo công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, và đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình phát triển trở thành các doanh nghiệp vững mạnh với năng lực cạnh tranh tiêu chuẩn toàn cầu”/

Trước khi triển khai tại khu vực miền Trung, từ năm 2022, dự án phát triển nhà máy thông minh đã được triển khai tại 5 tỉnh thành khu vực phía Bắc và 4 tỉnh thành khu vực phía Nam, góp phần hỗ trợ đào tạo 87 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 38 doanh nghiệp trên cả nước. Sau quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lần đầu tiên Samsung thực hiện dự án phát triển nhà máy thông minh tại Khu vực miền Trung - Ảnh 5.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng năm 2023, thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023 của Bộ Công Thương.

Đây là dự án được Samsung và Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022 với mục tiêu nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước và cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Theo biên bản ghi nhớ, trong 02 năm (2022 – 2023), chương trình sẽ hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh.

Cùng dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung, Samsung đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trên khắp Việt Nam, bao gồm việc tổ chức các hội thảo công nghiệp hỗ trợ thường niên để kết nối các nhà cung ứng Việt Nam có tiềm năng; thực hiện Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Hàn Quốc; đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam; hỗ trợ đào tạo 200 kỹ thuật viên trong 4 năm (2020 – 2023) về lĩnh vực khuôn mẫu…

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật