Kích cầu hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Để tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong quý IV/2023 đạt 10,6%, đòi hỏi Việt Nam phải có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt từ phía cung. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông nhận định thế nào về tình hình “sức khỏe” hiện nay của các doanh nghiệp hiện nay?
Trong 9 tháng qua, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều gam màu sáng, tối đan xen trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu trầm lắng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Tỷ lệ và quy mô giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất trong các năm qua, đóng vai trò là động lực chính, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác của nền kinh tế. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan toả, nâng cao năng lực sản xuất đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế giảm sút, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 9 tháng năm 2023 đã đạt mức cao nhất của 9 tháng trong 5 năm 2018 - 2023. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của Việt Nam....
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2023 còn những gam màu tối, đó là, nền kinh tế Việt Nam phục hồi chậm và mong manh; tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất cao; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm. Xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn. Trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ và vốn, doanh nghiệp còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, xu thế cải cách chững lại khiến môi trường kinh doanh xấu đi, điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước.
Sự chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập, có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng chững lại.
Dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn, nhiều vấn đề chưa lường hết được, đặc biệt tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp. Để đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất, theo ông, Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, khả năng kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% gần như khó khả thi. Tuy vậy theo tôi, chúng ta không nên đặt ra vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Từ nay tới cuối năm, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp, tận dụng hiệu quả mọi cơ hội, hạn chế tối đa những khó khăn, bất cập, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng sẽ tạo tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giảm nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tạo tâm lý và dư luận xã hội không tốt. Nếu chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu để cuối năm đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ nuôi dưỡng “bệnh thành tích”, tạo tiền lệ xấu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và tạo tâm lý trông chờ, ỉ lại của các cấp, các ngành.
Trên cơ sở kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng là cần thiết, phản ánh sự linh hoạt và nhanh nhậy trong thực tế nhìn nhận tình hình để chỉ đạo điều hành, nhưng không có nghĩa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Khi Bộ KH&ĐT đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, các Bộ, ngành cần chủ động tính toán các chỉ tiêu liên quan tới GDP theo từng kịch bản để chủ động đưa ra giải pháp phù hợp trong điều hành nền kinh tế và xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Thời gian của năm 2023 không còn nhiều, theo tôi, Chính phủ cần khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào sự phục hồi nhanh và tiềm năng của nền kinh tế.
Về giải pháp kích cầu tiêu dùng, Việt Nam cần thực hiện bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.
Theo tôi, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo. Việc giảm giá hàng tiêu dùng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, đồng thời phát huy hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Vì vậy, Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện giải pháp này.
Khu vực dịch vụ đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng có chỉ số giá sản xuất 9 tháng năm 2023 tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt chỉ số dịch vụ vận tải tăng tới 19,34%; chỉ số dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 5,97%. Các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh dịch vụ cần cơ cấu lại chi phí để giảm giá các loại dịch vụ; đồng thời cần giữ chữ tín, không lợi dụng tăng giá vào mùa cao điểm.
Hiện tiêu dùng nội địa còn yếu, phục hồi chậm do hậu quả của COVID-19 nên Chính phủ cần có giải pháp, chương trình hấp dẫn nhằm hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Thực hiện giải pháp hiệu của kích cầu đầu tư sẽ nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; các dự án có triển vọng thị trường.
Với ưu điểm về tính chủ động trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp. Chính phủ nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án.
Các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải được thực hiện thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai. Bên cạnh đó, cần có cơ chế và quy định cụ thể khoảng cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.
Để kích cầu xuất khẩu cuối năm, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến với toàn cầu.
Cùng với các giải pháp kích cầu, Việt Nam cần khẩn trương thực thi hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn bên cung của nền kinh tế; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế, mở rộng thị trường trong nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ KH&ĐT đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt là 5%; 5,5%; 6% để có những giải pháp điều hành phù hợp.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2023 như kịch bản 3. Đây là mục tiêu nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.