Hoàn thuế trước, kiểm tra sau với các doanh nghiệp uy tín
Thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu...
Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 2/11, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) khẳng định, công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua.
Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dự địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả…
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Đơn cử như thuế giá trị gia tăng mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn cũng lớn, quy trình hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ, thu lại phải hoàn; nhiều chi phí và kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu...
Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cần xem xét giải quyết căn cơ vấn đề này vì quá trình đó có thể tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) |
Bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Trần Văn Lâm về vấn đề thuế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu.
Đại biểu cho biết, báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế thực hiện rà soát xác minh qua nhiều khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng.
"Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh", bà Hà nhấn mạnh.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan...