Founder thương hiệu thời trang nghỉ dưỡng XITA kể chuyện 2 lần vay tiền khởi nghiệp và đam mê xây dựng hệ sinh thái lifestyle cho các nàng thơ của mình
Tốt nghiệp Thạc sĩ Quan hệ quốc tế ở Trung Quốc, trước khi được biết tới vai trò Founder/ NTK như hôm nay, Katy Nguyễn từng làm việc nhiều năm trong lĩnh vực truyền thông. Niềm đam mê và tâm hồn bay bổng đã khiến 8X rẽ sang ngang và "bám rễ" với thời trang.
"Nhưng khi mặt trời lặn là đứng dậy đi chơi ngay", Katy Nguyễn cười lớn tiếp lời.
Tôi yêu thời trang từ nhỏ. Phong cách theo đuổi là sự gợi cảm, phóng khoáng, hiện đại. Sau khi du học về, tôi nhận thấy thị trường trong nước rất ít sự lựa chọn theo phong cách này. Tôi thường xuyên phải mua từ nước ngoài với mức giá không rẻ. Trong khi đó, vải trong nước có sẵn, nhân công rẻ, vừa có cơ hội kiếm tiền vừa được làm đúng thứ mình thích thì tại sao không?
Cửa hàng đầu tiên nhỏ vỏn vẹn 11m2 với 2 nhân viên bán hàng, tôi làm với tâm thế dạo chơi, vì còn đang điều hành một công ty truyền thông khác.
Vậy thời trang cũng không phải là lựa chọn sự nghiệp đầu tiên sau khi tốt nghiệp của chị?
Có thể nói, sự nghiệp của tôi có khá nhiều ngã rẽ. Trước đây, tôi đầu tư nhiều công sức cho việc học Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế ở Đại học Nam Khai (Trung Quốc), học tiếng Hán cao cấp, thi HSK mãi mới lấy được suất học bổng. Nhưng học xong, tôi lại nhận ra rằng chuyên ngành này không dành cho mình. Thế là sau khi tốt nghiệp về nước, tôi vào làm nhân viên và rất nhanh chóng được làm trưởng phòng truyền thông cho một công ty bất động sản.
Thời điểm quyết tâm khởi nghiệp lần đầu tiên, tôi đã có những lời mời về các công ty khác với mức lương tương đối cao 2.000 – 3.000 USD/tháng nhưng tôi vẫn quyết định từ chối để thành lập công ty truyền thông riêng cùng hai người bạn.
Vì sao chị đưa ra lựa chọn đó?
Là đam mê sáng tạo khiến tôi không muốn bị bó hẹp chỉ ở những sản phẩm bất động sản nữa. Tôi muốn thử sức ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau để tha hồ tung bay với những ý tưởng của mình. Suy nghĩ ban đầu chỉ có thế, không toan tính gì nhiều.
Tài chính thì không có gì cả (cười lớn), vì tôi là người thích tiêu tiền, làm ra bao nhiêu là tiêu hết bấy nhiêu. Nên ngoài số tiền đi vay do ngày đó sợ bố mẹ lo lắng nên không dám nhờ cậy gia đình, một chút kinh nghiệm và các mối quan hệ đã tạo dựng được thì tôi nghĩ hành trang lớn nhất là sự liều lĩnh của tuổi trẻ và nhiệt huyết với nghề. Lúc đấy tôi tự tin lắm, nghĩ mình có khả năng mà, cùng lắm thua thì quay về đi làm thuê trả nợ.
Sau đó một thời gian, năm 2013, tôi bắt đầu mở thêm XITA. Dù "sinh sau đẻ muộn", lại được làm theo cách rất "bản năng", nhưng XITA lại phát triển mạnh mẽ hơn, thấy cả tiềm năng rất lớn. Tình huống khi ấy buộc tôi phải lựa chọn giữa 2 bên và rồi, tôi đã chọn thời trang. Cuộc chia tay với công ty truyền thông cũng đau lòng lắm. Nhưng rồi khi chỉ còn duy nhất một nữa con tinh thần, tôi bắt đầu lao vào cuộc chiến mới, quy mô và bài bản hơn.
Hồi đầu làm tôi lãi nhanh lắm, vì nhiều bạn bè mà, mua ủng hộ nhau, bán hết lại ra mẫu mới, nhưng rất là amateur, chẳng đầu tư gì nhiều. Hơn một năm sau, năm 2014, nhận ra đây chính là sự nghiệp của mình, mình sẽ theo nó đến cùng, tôi quyết định phải xây dựng XITA trở thành một thương hiệu thời trang chuyên nghiệp, bài bản. Tôi đóng cửa hàng, cắp sách đến Học viện Thời trang London, và lại một lần nữa vay tín chấp lãi cắt cổ để khởi nghiệp lần hai.
Buổi tiệc khai trương ở cửa hàng mới khang trang, phố lớn, đội ngũ nhân viên hùng hậu, tôi vui lắm. Nhưng sáng hôm sau đối diện với con số đầu tư lớn và áp lực doanh thu, tôi hoang mang vô cùng. Cảm giác lúc đấy là trèo lên lưng cọp rồi, phải "cưỡi thôi".
Khó khăn đầu tiên là tìm ra bản sắc riêng của mình, trăn trở với câu hỏi "Trong làng thời trang thì mình là ai, có gì khác biệt?". Trước đây, có những bộ sưu tập ra mắt thành công, được giới chuyên môn đánh giá cao, mọi người khen vô cùng mà rồi lại thất bại về doanh số. Nhưng có những mẫu tôi suýt loại thì lại thành hàng bán chạy. Việc này làm tôi rất đau đáu chuyện dung hòa giữa cái tôi của người sáng tạo và thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu chạy theo thị hiếu mà đánh mất "màu" của mình là thua ngay. Cho nên tôi mất mấy năm mới tìm được cách cân bằng và vạch đường đi riêng cho XITA.
Dấu mốc bắt đầu tới vào 2017, thời điểm thương hiệu của tôi chính thức chuyển sang chỉ làm đồ resort và có thể nói là một trong những thương hiệu Việt Nam đầu tiên đi theo phong cách này.
Vì sao chị lựa chọn chỉ làm về thời trang nghỉ dưỡng?
Những năm đầu tiên, tôi đều đặn cho ra các collection theo mùa, nhưng cứ BST resort cho Xuân Hè là thành công nhất về doanh số. Tôi nhận ra rằng "À đây là thế mạnh của mình vì nó chính là phong cách sống của mình. Tôi là người thích theo chủ nghĩa xê dịch và hưởng thụ. Tôi thích kiếm tiền để rồi tiêu tiền, chăm sóc bản thân, đi đến những nơi đẹp đẽ, thưởng thức những thứ đẹp đẽ của cuộc sống".
Thời điểm cách đây 6-7 năm, người Việt mình đã đi du lịch rất nhiều. Các phụ nữ Việt Nam hiện đại không chỉ dừng lại ở nhu cầu tới những miền đất mới, nghỉ ngơi ở những resort cao cấp, họ còn muốn được ăn mặc thật đẹp, đúng điệu, theo đúng trào lưu quốc tế và có những shot hình để đời. Tuy vậy, trong nước chưa ai hay thương hiệu nào chuyên làm trang phục nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu đó cả. Đến giờ này tôi tự hào là người đầu tiên đi con đường này. Để chuẩn bị cho chuyến du lịch của mình, việc đầu tiên nghĩ đến của rất nhiều cô gái là đi shopping ở XITA. Doanh thu bùng nổ cũng làm tôi tự tin hơn rằng mình đã đi đúng đường.
Thời trang du lịch đâu phải chỉ là bikini và quần sooc, mỗi khi làm một collection tôi cân nhắc từng chi tiết để các khách hàng của tôi tỏa sáng, rực rỡ những vẫn relax thoải mái trong từng khoảnh khắc. Bởi vậy, khách hàng sẵn sàng bỏ ra từ 2 cho tới 8 triệu đồng để sở hữu những sản phẩm của chúng tôi để kỳ nghỉ của họ thêm ý nghĩa và trọn vẹn.
Ngay từ xuất phát điểm, tôi đã định hình được những cô gái của XITA là ai. Họ là những phụ nữ yêu thích sự phóng khoáng sexy, không ngại nổi bật và luôn muốn thể hiện tiếng nói cá nhân của mình. Họ có công việc yêu thích cho dù là đi làm hay ở nhà chăm sóc gia đình, yêu bản thân và cuộc sống, thích hưởng thụ cuộc sống giống tôi và hưởng thụ một cách đúng điệu. Đối với tôi, thời trang và sự sành điệu thể hiện ở chỗ đúng hoàn cảnh, đúng nơi đúng chỗ; không phải cứ diện chiếc váy đắt tiền, đeo túi hàng hiệu là đẹp đâu.
Bây giờ phụ nữ thông minh, thành công, độc lập và có phong cách sống thú vị rất nhiều. Khi tiếp xúc với khách hàng, tôi học được ở họ nhiều lắm. Đấy là một trong những lý do tôi rất thích làm thời trang, được gặp gỡ nhiều phụ nữ truyền cảm hứng.
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là giá trị thương hiệu mà chúng tôi đã xây dựng suốt 10 năm. Đội ngũ của XITA luôn cố gắng làm tốt hơn và sự tiến bộ đó được thể hiện từ chất liệu đến khâu sản xuất, form dáng qua từng bộ sưu tập. Điểm mạnh và là bản sắc của XITA chính là những họa tiết rực rỡ, đầy tính mĩ thuật được chúng tôi thiết kế vô cùng tỉ mỉ và không ngừng biến hoá, sáng tạo. Ngoài ra, tinh thần của thương hiệu chính là điểm chinh phục khách hàng. XITA không chỉ là thời trang mà còn là một phong cách sống: Một phong cách sống hiện đại, yêu đời, nữ tính, phóng khoáng và cũng đầy tinh tế.
Hiện nay, nhiều thương hiệu đối mặt với việc bị đạo nhái, may gia công với mức giá rẻ hơn nhiều. Theo đuổi thời trang nghỉ dưỡng, XITA có gặp phải "vấn nạn" này?
Có chứ, khi bắt đầu "nổi tiếng", chúng tôi đối mặt với việc bị làm nhái, rất nhanh và nhiều.
Ban đầu tôi còn thích chí nghĩ đồ mình đẹp nên họ mới nhái, song chuyển sang tức rồi giận điên lên, vì bao công sức mình làm mà. Một trong những thế mạnh của XITA là họa tiết, mà tôi thiết kế, chỉnh sửa rồi in thử bao nhiêu lần mới ra được thành phẩm cuối cùng, rất vất vả và tốn kém. Vậy mà chỉ vừa chính thức mở bán một thời gian ngắn là bị nhái. Đương nhiên, đồ fake thì không thể sánh với real, nhưng ít nhiều cũng làm cho mình thiệt hại. Tuy nhiên, giờ tôi đã biết nên làm thế nào và cũng cho rằng, không sao cả, thương hiệu nào cũng phải đối đầu với chuyện này chuyện kia.
Đấy là 6 năm trước, khi tôi chuyển hẳn sang làm đồ resort. Khi tìm được lối đi rồi thì cứ thế mà bước thôi, không còn hoang mang nữa. Rốt cuộc mình làm kinh doanh mà, hiệu quả kinh doanh chính là lời giải cho câu hỏi mình có làm đúng hay không?
Thành công với XITA là lúc chị bắt đầu với thương hiệu mới mang hơi hướng công sở là 5P.M STUDIOS?
À, 5PM Studios là một câu chuyện mang tính tình thế. Lúc Covid-19 bùng phát, ngành thời trang bị đánh rất nặng nhưng tôi nghĩ ngách thời trang nghỉ dưỡng là bị "bầm dập" nhất. 5-6 tháng trời không mở cửa, không doanh thu nhưng vẫn phải duy trì các mặt bằng, vẫn hỗ trợ nhân viên và không để ai nghỉ cả. Khó khăn kinh khủng! Dù hết giãn cách thì mình cũng chưa biết khi nào du lịch mới hồi phục. Thế là tôi quyết định ra 5P.M phong cách smart casual, giá rẻ, tính ứng dụng cao, vừa tận dụng bộ máy có sẵn vừa để nuôi nó.
Trong lúc cách ly ở nhà tôi vẽ mẫu, đăng ký tên thương hiệu, hết giãn cách là lao vào việc luôn. Bộ sưu tập đầu tiên cả chụp ảnh sản phẩm và ra mắt chỉ trong vòng 2 tuần. Nhân viên hào hứng vì lại có việc, mọi thứ trở lại bình thường. Nếu không ra thương hiệu này, tôi cũng chẳng biết làm sao để gồng gánh được XITA qua đại dịch.
Trong năm 2023 này, chị có kế hoạch gì cho cả 2 thương hiệu?
Năm nay đánh dấu 10 năm của XITA, chúng tôi sẽ có show diễn kỷ niệm vào tháng 5 tới. Chủ đề của show sẽ là "Golden Tropical" thì trong đấy "tropical" (nhiệt đới) là đặc điểm nhận dạng của XITA rồi. Tôi muốn một lần nữa khẳng định ADN của thương hiệu nhưng thể hiện nó một cách hoàn toàn khác. Còn gọi "golden" vì đối với tôi năm nay là thời điểm vàng, không phải là mình đang đứng trên bục vàng son gì cả, mà là thời điểm vàng để Thay đổi, Nâng cao và Phát triển. Tôi ít khi nghĩ đến việc mình đã làm được gì, mà phần lớn thời gian suy nghĩ về những việc mình chưa làm được, và sẽ phải làm.
Hiện chúng tôi có rất nhiều tham vọng và kế hoạch, xin phép được giữ bí mật kẻo "nói trước bước không qua". Chỉ xin bật mí là chúng tôi sẽ sớm ra mắt thương hiệu decor nội thất mang tên XITA HOME, một trong những bước hiện thực hóa kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái về lifestyle (phong cách sống) cho các cô gái hiện đại.
Còn 5P.M là thương hiệu khá non trẻ khi so với XITA, cần rất nhiều thời gian và sự đầu tư, chiến lược kinh doanh để có bứt phá.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!