A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CEO Starbucks Việt Nam: Chúng tôi gửi 8 lá thư nhưng chỉ vài chủ nhà chịu giảm 20% tiền mặt bằng, có người thà bỏ trống chứ không giảm giá

Trong khi nhiều thương hiệu F&B khác đều cho biết, lợi ích lớn nhất trong Covid-19 là họ dễ thuê được mặt bằng giá tốt; thì Starbucks Việt Nam lại không cho là thế. Theo Tổng Giám đốc chuỗi này, họ vẫn không được các chủ nhà hiện hữu giảm giá thuê dài hạn như các nước trong khu vực, đồng thời, giá thuê nhà ở khu vực trung tâm vẫn rất cao - bằng 2019.

Sau 8 năm lèo lái chuỗi cửa hàng Starbucks tại Việt Nam, mặt bằng chính là vấn đề đau đầu nhất của bà Tổng Giám đốc - Patricia Marques. Theo chia sẻ của bà với truyền thông mới đây, thì ngay cả Covid-19 khiến lượng mặt bằng trống tăng cao, cũng không khiến bà bớt đau đầu hơn.

Do đặc thù mô hình kinh doanh đề cao trải nghiệm khách hàng, nên các mặt bằng của Starbucks thường phải ở vị trí đẹp và rộng rãi, kiến trúc càng độc đáo càng tốt. Dù Covid-19 khiến họ phải thay đổi concept – ra mắt thêm các mô hình cửa hàng nhỏ gọn hơn, song xét chung, thì cửa hàng nhỏ của họ vẫn to hơn của hàng to của nhiều thương hiệu F&B khác.

Ngoài ra, công ty mẹ Starbucks còn có 2 quy định khác: đầu tiên, giá thuê mặt bằng phải hợp lý theo quan điểm của công ty chứ không phải chủ nhà đưa ra giá nào cũng chấp nhận; thứ hai, pháp lý của mặt bằng phải chuẩn chỉnh và rõ ràng, dù họ chỉ là khách đi thuê. Mà như chúng ta biết, tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn, tìm một mặt bằng thỏa tất cả những điều kiện của Tập đoàn Starbucks – ngay cả trong Covid-19, là một nhiệm vụ khó khăn.

‘Người thành công thường đi con đường khác biệt’: Starbucks Việt Nam chỉ thuê mặt bằng với giá mà họ cho là hợp lý, tôn trọng pháp luật ở mức cao nhất - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam - Patricia Marques

Vậy nên, khi có phóng viên hỏi rằng: "Có phải Covid-19 giúp câu chuyện tìm kiếm mặt bằng của Starbucks trở nên dễ dàng hơn", thì bà Patricia Marques trả lời với giọng khá bức xúc: "Không có chuyện đó đâu! Trong khi ở các nước khác, ví dụ như Campuchia, HongKong hay Singapore, khi Covid-19 xuất hiện, chủ nhà sẵn sàng hạ giá mặt bằng khoảng từ 20% đến 30%; thì tại Việt Nam không thế.

Ví dụ như Singapore, khi thấy cửa hàng Starbucks phải đóng cửa trong đại dịch, hầu hết chủ nhà đều chấp nhận giảm 30% giá thuê. Ngược lại, tại Việt Nam rất hiếm chủ nhà ‘hào phóng’ như thế. Phải sau 8 lá thư, thì mới có vài chủ nhà đồng ý giảm 20% - nhưng chỉ trong thời gian ngắn nào đó".

Chi Nguyễn – Giám đốc PR-Marketing của Starbucks Việt Nam giải thích thêm: bình thường, mỗi năm, các chủ nhà sẽ tăng giá 10% hoặc 20%; trong Covid-19, họ không tăng giá như trước kia, song nhiều người vẫn kiên quyết không giảm giá cho Starbucks. Bên cạnh đó, vì ở các thị trường khác tại châu Á, các chủ nhà đều giảm khá nhiều cho Starbucks, thực tế đó khiến bà Patricia Marques phải chịu áp lực khá lớn từ công ty mẹ về vấn đề này.

"Như chúng ta biết, hiện tại mặt bằng trống tại Quận 1 - TP.HCM khá nhiều, chi chít mặt bằng trống tại đường Đồng Khởi. Nhưng, khi chúng tôi khảo sát giá, thì hầu hết chủ nhà đều đưa ra giá rất cao – bằng với lúc trước bệnh dịch 2019. Nói chung, chẳng thà họ để mặt bằng trống chứ không chịu giảm bớt giá.

Rõ ràng, với uy tín thương hiệu vốn có cộng với nguồn cung lớn, Covid-19 có thể khiến chúng tôi có nhiều sự lựa chọn hơn khi tìm kiếm mặt bằng, song về khía cạnh giá thuê vẫn không có gì thay đổi – vẫn ở mức rất cao", Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam chia sẻ tiếp.

Ngoài câu chuyện giá tiền, thì vấn đề pháp lý nhập nhằng tại nhiều mặt bằng ở các khu đô thị lớn, cũng khiến quá trình mở rộng tại Việt Nam của Starbucks không nhanh như kỳ vọng.

Về vấn đề này, bà Patricia Marques từng cho biết: Nguyên tắc của Starbucks là luôn làm ăn và kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại. Đó là nguyên do khiến họ chưa thể mở được cửa hàng tại Hội An, dù đó là ‘mơ ước’ của bà Patricia Marques.

Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam rất yêu Hội An và muốn có một cửa hàng Starbucks thật đẹp và đặc biệt tại thành phố cổ này, nhưng do những quy định ngặt nghèo về sửa chữa cũng như hầu hết các ngôi nhà trong phố cổ không rõ ràng về chủ sở hữu, khiến bà chưa thực hiện được mong ước đó.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật