A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhiều startup đã ‘ra đi’ không kèn không trống, cuộc sàng lọc startup vẫn diễn ra khốc liệt trong 2022!

"Tôi biết một tỷ lệ lớn startup cũng "ra đi" không kèn không trống trong mùa dịch vừa qua. Một cuộc đào thải lớn đã diễn ra, nhưng đó là qui luật và thị trường startup cũng đang trải qua qui luật khắc nghiệt đó", bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM – cho biết.

"Những cái tên MoMo, VNLife (công ty sở hữu VNPay), Sky Mavis, Tiki... phần nào đó "thắp sáng" những vùng trời ảm đạm do Covid tạo nên cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung", bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch kiêm CEO IBP, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM – nhận định tổng quan về năm 2021.

Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhiều startup đã ‘ra đi’ không kèn không trống, cuộc sàng lọc startup vẫn diễn ra khốc liệt trong 2022!  - Ảnh 1.
 

* Theo đánh giá của bà, đâu là những điểm nổi bật của thị trường startup Việt Nam trong năm 2021?

Việc thu hút những nguồn vốn khủng, và cả sự xuất hiện các kỳ lân mới của Việt Nam là những ấn tượng mạnh mẽ của tôi khi nói về thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong năm qua.

Mặt khác, tôi cũng ấn tượng không kém làn sóng "bắt trend" của các startup Việt, đặc biệt là với công nghệ blockchain trong games, NFTs, crypto... Hệ sinh thái hỗ trợ cho các công ty trong xu hướng này cũng hình thành đặc biệt nhanh. Có thể nói, đó cũng là một sự khởi động tốt.

Tất nhiên, không phải là màu hồng hoàn toàn, tôi biết một tỷ lệ lớn startup cũng "ra đi" không kèn không trống trong mùa dịch vừa qua. Một cuộc đào thải lớn đã diễn ra, nhưng đó là qui luật và thị trường startup cũng đang trải qua qui luật khắc nghiệt đó.

Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhiều startup đã ‘ra đi’ không kèn không trống, cuộc sàng lọc startup vẫn diễn ra khốc liệt trong 2022!  - Ảnh 2.

Bà Trương Lý Hoàng Phi còn là Sáng lập và Cố vấn Chiến lược Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC).

* Năm qua, bất chấp Covid, Việt Nam vẫn là thị trường đón dòng vốn đầu tư vào startup rất mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Bà có thể lý giải nguyên nhân?

Công bằng mà nói, dư địa phát triển nói chung của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Trong đó, rõ ràng, thị trường startup Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và vươn lên mạnh mẽ. Việt Nam có dân số ở độ tuổi vàng trong việc chi tiêu và tăng trưởng tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Do vậy, các công ty khởi nghiệp có khá nhiều động lực cho việc tiếp cận, chinh phục và tăng trưởng.

Với một số nhà đầu tư, kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nên các công ty startup kỳ lân như thị trường Trung Quốc ở giai đoạn trước cũng tạo nên sức hút lớn cho thị trường startup tại Việt Nam.

* Trải qua thêm một năm, bà đánh giá mức độ trưởng thành của các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam ra sao? Đâu là những điểm họ cần cải thiện trong thời gian tới?

Dù không phải là tất cả, nhưng, việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các startup trong năm vừa rồi cũng nói lên một phần nào đó về chất lượng của thị trường startup ở tại Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cơ bản cho thấy sự trưởng thành của các startup tại thị trường Việt Nam khi so sánh khả năng tiếp cận và thu hút được nhiều nguồn lực hơn cho quá trình tăng trưởng của các công ty startup ở các giai đoạn trước.

Mặt khác, các startup Việt đã quen với những sân chơi lớn hơn, nhanh nhẹn và nhạy bén hơn với các tín hiệu và sự thay đổi thị trường. Cuộc chơi bây giờ thật sự trở nên rất hấp dẫn. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đã có nhiều chất kết dính hơn, thu hút nhiều nguồn lực hỗ trợ hơn và nhờ đó tạo nên nền tảng tốt hơn để hỗ trợ cho đà tăng trưởng của các công tu startup.

Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhiều startup đã ‘ra đi’ không kèn không trống, cuộc sàng lọc startup vẫn diễn ra khốc liệt trong 2022!  - Ảnh 3.

Một cách ví von, tôi thấy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một ngã rẽ mới, một giai đoạn mới.

* Về năm 2022, bà dự đoán gì về thị trường startup?

Lạc quan mà nói, đà tăng trưởng và thu hút nguồn vốn đầu tư của thị trường startup Việt vẫn còn tiếp tục trong năm 2022. Tuy nhiên, sự phân hoá và sàng lọc startup vẫn diễn ra khắc nghiệt, do vậy startup cũng nên có sự tập trung cho các giá trị cốt lõi và nội lực.

Năm vừa qua tôi đã tham gia ở nhiều vai trò khác nhau cùng với các tập đoàn lớn như Hoà Bình, SK, Qualcomm…trong các dự án hướng đến startup và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tôi tin, 2022 cũng sẽ là thời điểm cho thấy mức độ tham gia sâu sắc hơn của các Tập đoàn lớn của Việt Nam và các Tập đoàn đa quốc gia vào thị trường này. Những lĩnh vực có nhiều lợi thế tôi dự đoán sẽ là công nghệ ứng dụng trong dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, bất động sản, bán lẻ…

Tự động hoá, robotics, ứng dụng AI trong các giải pháp cho doanh nghiệp cũng có khá nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain trong games, NFTs, crypto ..sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự chú ý đặc biệt.

Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhiều startup đã ‘ra đi’ không kèn không trống, cuộc sàng lọc startup vẫn diễn ra khốc liệt trong 2022!  - Ảnh 4.
 

* Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ bắt đầu nhấn mạnh đến khái niệm "hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở", với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và liên kết giữa các tập đoàn, tổng công ty… với đội ngũ những người khởi nghiệp. Bà đánh giá thế nào về hướng đi này và hiện trạng thực tại?

Rõ ràng, các Tập đoàn bao giờ cũng hình thành một bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển – PV) bên trong doanh nghiệp nhằm phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới, tìm kiếm mô hình, cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ vài hạn chế trong điều kiện thị trường như hiện nay.

Khối lượng kiến thức nội bộ dù thế nào cũng không thể toàn diện, đặc biệt là ở trong các ngành, thị trường mà công nghệ phát triển nhanh hoặc đang cấp thiết phải thay đổi. Mặt khác, mức độ hiệu quả của các trung tâm R&D này sẽ được đo bằng lượng ngân sách đã đổ vào và những dự án cải tiến, tuy nhiên, không phải tất cả những nghiên cứu và dự án đó đều theo kịp với các nhu cầu của thị trường, do vậy, đó cũng là một sự đầu tư chưa mang lại hiệu quả mà nhiều khi các doanh nghiệp không đo lường đủ và đúng.

Điều không kém phần quan trọng nữa là bản chất đổi mới hay sáng tạo mà chỉ dựa trên nền tảng cũ: quy trình, con người, văn hóa ... thì rất khó tạo ra một sự đột phá cần thiết. Đổi mới sáng tạo mở là mô hình tiến hoá hơn khi mở rộng được không gian cho các ý tưởng mới và nguồn lực nội bộ có thể giao thoa, xúc tác để tạo nên những sáng kiến đột phá, có độ tương thích với thị trường bên ngoài và nguồn lực bên trong doanh nghiệp.

Do đó, ngoài việc khắc phục được những hạn chế của mô hình R&D truyền thống, về mặt giá trị kinh tế, mô hình đổi mới sáng tạo mở giúp DN theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường, tiến tới việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới nhanh hơn, thu hút nhân tài, tối ưu giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp.

Một vài viện dẫn so với mô hình truyền thống, tỷ lệ thành công trong R&D tăng gấp đôi, tốc độ đổi mới nhanh gấp 3 lần, năng suất làm việc tăng 40-60%. Dù không xoá nhoà vai trò của các mô hình truyền thống nhưng rõ ràng nếu đích đến cuối cùng là hiệu quả thì mô hình Open innovation rất đáng được quan tâm và phổ biến. Tôi tin đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thực thi các chiến lược cạnh tranh trong giai đoán mới.

* Là một cơ hội tốt, tuy nhiên, liệu có phải doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt với đổi mới sáng tạo nói chung và đổi mới sáng tạo mở nói riêng? Doanh nghiệp cần cân nhắc điều gì để hạn chế rủi ro trong thị trường này?

Theo khảo sát mới nhất của BCG và những gì tôi quan sát được tại thị trường Việt Nam, trên 70% các doanh nghiệp giai đoạn này xếp đổi mới sáng tạo là top 3 ưu tiên trong doanh nghiệp họ, một kết quả khả quan nhất trong ít nhất là hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, giữa xếp hạng ưu tiên và hành động thực tế vẫn là một khoảng cách rất đáng kể. Phần nhiều là bởi, quá khó để biết nên bắt đầu từ đâu để các khoản đầu tư cho đổi mới sáng tạo thật sự mang lại lợi ích và cách thức nào để đổi mới sáng tạo trở thành một lợi thế canh tranh hay vũ khí chiến lược thực sự cho doanh nghiệp.

Có một câu hỏi cốt yếu cho doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo là cuộc chơi của tầm nhìn hay của tiền? Tiền nhiều có khiến cho doanh nghiệp này đổi mới thành công hơn các doanh nghiệp khác?

Tôi cho rằng, không tách rời khỏi tầm nhìn và cả tiền, nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp muốn thực hiện đổi mới sáng tạo dù thông qua mô hình nào cũng cần một tầm nhìn tốt, đội ngũ lãnh đạo quyết liệt và đương nhiên cần hơn hết đội ngũ biết cách thức thực chiến để đi đến đích với một khoản đầu tư thật sự tối ưu. Vì vậy, khi chưa tìm được đối tác đồng hành hiểu rõ về thị trường đổi mới sáng tạo và cả những đặc thù hoạt động của ngành, lĩnh vực hay xác định rõ tầm nhìn cho việc thực thi, doanh nghiệp rất cần xem xét thận trọng.

* Đâu là yếu tố cần thiết để "hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở" thật sự mở, theo bà?

Ở bình diện hệ sinh thái, "Khơi thông dòng nước", đó là hình ảnh đầu tiên tôi nghĩ đến. Doanh nghiệp, startup, cộng đồng nhà nghiên cứu, người làm công nghệ… không thể là những pháo đài hay những người hàng xóm thân thiện chỉ chào hỏi nhau qua loa.

Bà Trương Lý Hoàng Phi: Nhiều startup đã ‘ra đi’ không kèn không trống, cuộc sàng lọc startup vẫn diễn ra khốc liệt trong 2022!  - Ảnh 5.

 

 Chính phủ có thể đóng vai trò tổ chức những sự kiện để những "pháo đài" mở cổng, nhưng cơ bản nhất hệ sinh thái này cần một sự cởi mở, thông hiểu và quan trọng nhất là niềm tin cũng với một mối quan hệ lợi ích lâu dài và bền vững.

* Xin cảm ơn bà!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật