A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp tìm cách thích nghi, giữ chân lao động Gen Z

Làm sao để quản lý đội ngũ Gen Z, phát huy tối đa sự sáng tạo của thế hệ này trong công việc đã và đang trở thành một bài toán khó với rất nhiều doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tìm cách thích nghi, giữ chân lao động Gen Z

Lao động trẻ tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại doanh nghiệp. Ảnh: Minh Hà

Gen Z ‘’nhảy việc’’ để tìm môi trường phù hợp

Đây đã là lần thứ 4 bạn Dương Đức Trung (sinh năm 2001, tại Hà Nội) quyết định “nhảy việc” để tìm một môi trường mới phù hợp hơn cho bản thân. Tuy nhiên, khi bị nhận định Gen Z thích “nhảy việc”, Trung hoàn toàn phủ nhận và cho rằng đây là một quan niệm sai lầm.

Lý giải về điều này, Trung cho hay: “Là người trẻ thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều cơ hội để thay đổi, khi đó, bản thân Gen Z sẽ bước ra được vòng an toàn”. Môi trường làm việc lý tưởng mà Đức Trung hướng tới là một doanh nghiệp giúp bạn phát triển bản thân, đa dạng về tài nguyên học tập, đặc biệt, lãnh đạo phải có sự lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu nhân sự của mình; nhất là lãnh đạo có độ tuổi trẻ để dễ dàng tham gia vào các hoạt động công sở.

Còn với bạn Nguyễn Lê Hải Yến (sinh năm 2000, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), môi trường công sở hiện tại đã gắn bó cùng bạn ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Trước đó, Yến cũng đã thử sức thực tập ở một số doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Theo đánh giá của Yến, môi trường làm việc hiện tại giúp Yến có cơ hội thăng tiến, phát triển toàn diện bản thân về cả kỹ năng mềm cũng như trong công việc. Bản thân Yến lại cho rằng, những chiếc mác được gắn cho Gen Z là do bản thân của mỗi người chứ không bao trùm hoàn toàn cho tất cả một thế hệ nghĩ khác, mơ lớn.

“Công việc nào cũng có những áp lực riêng, khả năng chịu được cường độ công việc cao của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, áp lực đó sẽ hạ nhiệt nếu gen Z bày tỏ, chia sẻ thông qua các buổi họp và được nhà quản lý lắng nghe”, Yến nói.

Cũng giống như Trung, bản thân Yến thích được làm việc với nhà quản lý trẻ hơn là người có tuổi. Nguyên nhân được cho là nhà quản lý có tuổi sẽ có tư duy không đổi mới, khi áp dụng vào thế hệ Gen Z sẽ không còn phù hợp.

Doanh nghiệp giữ chân Gen Z

Là Giám đốc Kinh doanh của một công ty sáng tạo phần mềm có tới 70% nhân sự Gen Z, anh Đặng Minh Tiến đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhân sự này trong việc thúc đẩy doanh số của công ty. Anh Tiến cho biết, nhân sự gen Z tại công ty anh có sự nhanh nhẹn, tư duy nhạy bén và luôn sáng tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

“Vì gen Z được sống trong một môi trường đa sắc màu nên có cái tôi rất lớn nhưng nghị lực lại rất ít, thậm chí là gặp khó bỏ ngang. Đây là rào cản lớn nhất của gen Z khiến chúng tôi đau đầu khi đào tạo nhân sự”, anh Tiến nói.

Để giữ chân nhân sự gen Z và giải bài toán quản lý nhân sự, công ty này đã cố gắng tạo một môi trường làm việc trẻ trung, năng động giúp nhân viên phát triển cả về thân - tâm - trí, thời gian làm việc cũng được linh hoạt, luôn khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân để bứt phá trước cường độ áp lực công việc cao.

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Trần Đức Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh thiếu niên TP Hà Nội - cho rằng, Gen Z là thế hệ trẻ, cơ hội còn rất nhiều, môi trường công sở nào phù hợp với ngành nghề, năng lực của mình sẽ dừng chân tại đó. Cũng theo ông Hòa, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngày càng nhiều nhưng chất lượng lao động lại không được như mong muốn.

“Không có cách nào giữ được người lao động nếu chế độ đãi ngộ không phù hợp, nếu vì việc này người lao động nhảy việc thì doanh nghiệp phải thay đổi”, ông Hòa nói.

Còn về phía thế hệ trẻ, ông Hòa cho rằng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trước khi đi tìm việc, các bạn nên được tập huấn các kỹ năng viết CV, kỹ năng trả lời phỏng vấn để có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, có nhiều kỹ năng kiến thức tự nhiên. Thậm chí, khái niệm “nhảy việc” sẽ ít đi khi các bạn phát hiện bản thân thật sự cần gì, muốn gì.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan