Chứng khoán SHS kinh doanh thế nào trong năm đầu tiên thay Chủ tịch?
Năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của SHS đi xuống với kết quả lợi nhuận giảm 90% trong khi vốn hóa giảm hơn 40%.
Trong một năm mà nền kinh tế cả trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán bị tác động mạnh đã khiến kết quả kinh doanh của SHS nói riêng và các công ty chứng khoán nói chung đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo của SHS cho biết, tổng doanh thu hoạt động năm qua là 1.542 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động lại tăng 31% lên 1.089 tỷ đồng.
Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 6 năm qua của SHS.
Trong cơ cấu tài sản của SHS, "tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ" tăng từ 2.700 tỷ đồng lên 4.339 tỷ đồng. SHS giảm đầu tư vào cổ phiếu niêm yết (bán toàn bộ TCB, GEX) trong khi tăng đầu tư vào trái phiếu (trái phiếu Bamboo Capital, LienVietPostBank, BacABank) và cổ phiếu chưa niêm yết (Tôn Đông Á, Phong điện Chơ Long, Đóng tàu và dịch vụ Cảng Mỹ Xuân).
Về vốn hóa, tại ngày ông Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm, giá trị của SHS là hơn 12.500 tỷ đồng, đứng thứ 5 trên thị trường (sau SSI, VNDirect, Bản Việt và HSC).
Đến cuối năm 2022, thứ hạng của SHS không thay đổi, nhưng vốn hóa giảm 46%, xuống còn 6.800 tỷ đồng. Trong cùng khoảng thời gian này, các công ty chứng khoán SSI, Bản Việt và HSC chỉ giảm vốn hóa khoảng 25% còn VNDirect giảm 57%.
Dự kiến SHS sẽ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 28/4 tại Hà Nội.