Chiến lược kinh doanh giúp chuỗi siêu thị giảm giá của Đức trở thành đế chế trăm tỷ USD
Không cung cấp túi đựng, để khách tự trả xe hàng về chỗ cũ... là những cách nằm trong chiến lược kinh doanh của Aldi.
Aldi là thương hiệu chung của hai chuỗi cửa hàng siêu thị giảm giá thuộc sở hữu gia đình của Đức với hơn 10.000 cửa hàng tại 20 quốc gia trên thế giới. Trên khắp nước Mỹ, chuỗi này đang mở rộng quy mô nhanh chóng. Theo dữ liệu của công ty dịch vụ bất động sản Jones Lang Lasalle, Aldi là chuỗi cửa hàng tạp hóa phát triển nhanh nhất trong 3 năm liên tiếp tại Mỹ.
Và giờ đây, không chỉ những khách hàng có thu nhập thấp mới đến Aldi để tìm kiếm những “món hời”. Aldi cho biết tại một sự kiện truyền thông vào tháng 9 rằng họ đã chứng kiến sự gia tăng trong số những người mua sắm có thu nhập trung bình - vốn được định nghĩa là các hộ gia đình có thu nhập từ 50.000 USD - 100.000 USD/năm, cũng như khách hàng có thu nhập cao.
Suzy Monford, giám đốc cấp cao của công ty công nghệ bán lẻ Focal Systems, nhận định: “Hiện tại, mọi người đều muốn mua sắm và được nhận thêm một chút giá trị nào đó”.
Trong bối cảnh đó, Aldi hầu như luôn có giá thấp nhất đối với các sản phẩm thiết yếu như bánh mì, sữa và trứng, Monford nói. Scott Patton - Phó chủ tịch mua hàng quốc gia của Aldi, cho biết giá trái cây và rau của họ thấp hơn từ 20% đến 40% so với các đối thủ cạnh tranh.
Vậy làm cách nào Aldi lại có giá rẻ như vậy? Bí kíp nằm ở điều mà Patton gọi là “hàng nghìn quyết định chiến lược có chủ đích” để duy trì mức giá phải chăng.
Dưới đây là chiến lược kinh doanh tập trung vào trải nghiệm mua sắm được tinh giản tối ưu (no-frills shopping) của Aldi:
Phó chủ tịch cấp cao của một công ty cố vấn chiến lược nhận định rằng người tiêu dùng có xu hướng ngày càng ưa chuộng sản phẩm kiểu này vì giá cả phải chăng và chất lượng tốt.
Aldi đã tận dụng tâm lý đó để đẩy mạnh các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của mình. Theo trang web của công ty tại Mỹ, những sản phẩm này rẻ hơn vì không bao gồm một số chi phí như quảng cáo.
Aldi có thể đàm phán thỏa thuận với một số nhà cung cấp tốt nhất để sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng vì quy mô của họ lớn nên có thể đặt hàng với số lượng lớn.
Nils Brandes, đồng tác giả của cuốn sách viết về thành công của Aldi, cho biết công ty luôn đảm bảo rằng sản phẩm mang nhãn hiệu riêng có chất lượng ít nhất là ngang bằng với các thương hiệu khác.
Các sản phẩm có thể bao gồm từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo và các mặt hàng theo mùa cho đến những thứ "bất ngờ" như thiết bị làm vườn và phụ kiện cho thú cưng.
Theo Business Insider, Aldi đã thu được lợi nhuận lớn đối với những sản phẩm này vì chúng thường là hàng tồn kho của các nhà cung cấp và được bán cho họ với giá chiết khấu sâu. Được biết, các mặt hàng của chương trình Aldi Finds chiếm khoảng 20% doanh số toàn cầu của công ty.
Hàng giảm giá được sắp xếp ở giữa để khách hàng vừa tham khảo, vừa mua sắm không bị gián đoạn. Các loại nước sốt được xếp trên kệ đông lạnh để tiết kiệm diện tích. Trong khi đó, sản phẩm tươi sống và bánh mì được đặt ở cuối hành trình mua sắm để không bị biến dạng bởi sản phẩm đã mua.
Một điều nữa, Aldi không cung cấp túi nilon như các siêu thị khác mà khách hàng phải mang túi từ nhà hoặc mua túi có thể tái sử dụng.
Một chuyên gia nhận định rằng cách Aldi vận hành cửa hàng còn cho phép họ tốn ít chi phí thuê nhân viên hơn các siêu thị khác.
Bên cạnh đó, Aldi còn “cho thuê” xe đẩy hàng. Các xe luôn bị khóa với nhau và chỉ được mở khi nhét vào đó 1 đồng 25 xu. Sau khi mua sắm xong, khách hàng sẽ đem trả xe về chỗ cũ để lấy lại tiền.
Một phương pháp khác để tiết kiệm chi phí của Aldi là in nhiều mã vạch trên một sản phẩm để quét nhanh hơn khi thanh toán. Các siêu thị của họ cũng không phát nhạc để không phải trả phí bản quyền.