CEO Viettel Global: ‘Chúng tôi đã trở thành doanh nghiệp toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn hàng đầu thế giới’
Sau 17 năm, Viettel Global – thành viên phụ trách mảng đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam được nhiều quốc gia mời gọi đến đầu tư
"Viettel Global đã chứng minh được câu chuyện: Người Việt Nam, người Viettel đi ra toàn cầu là chiến lược hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi phải nói lời cảm ơn với hơn 20.000 nhân viên tại 10 thị trường và những cổ đông đã tin tưởng, đóng góp cho Viettel Global trong suốt thời gian qua" – ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc (CEO) Viettel Global chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.
Khi chỉ là đơn vị xây lắp, Viettel đã mơ ước trở thành doanh nghiệp viễn thông số 1 Việt Nam. Khi đang trên đà phát triển rất mạnh di động tại Việt Nam, Ban lãnh đạo Viettel đã nghĩ "rồi cũng sẽ đến lúc bão hoà".
Bởi vậy, cách đây 17 năm, Ban lãnh đạo Viettel đã có tầm nhìn vượt khỏi giới hạn thị trường 90 triệu dân và đi ra toàn cầu. Đó là quyết định cực kỳ dũng cảm, không mấy ai tin sẽ thành công tại thời điểm đó.
Khi đi ra toàn cầu, chúng tôi gặp những nhà doanh nghiệp cạnh tranh, những đối thủ mạnh nhất thế giới. Nhờ đó, Viettel cũng mạnh lên, rất nhiều bài học đầu tư ra nước ngoài đã được áp dụng thành công trong nước.
Tại châu Phi, độ phủ của dịch vụ 4G mới có 20% và Viettel Global còn không gian tăng trưởng trong 3-5 năm nữa. Đến năm 2023, quy mô doanh thu dịch vụ của viễn thông ở nước ngoài của Viettel (tính theo tỷ giá cố định) sẽ vượt thị trường trong nước, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15-20%.
Sau 17 năm, Viettel Global đã chứng minh được câu chuyện: Người Việt Nam, người Viettel đi ra toàn cầu là chiến lược hoàn toàn đúng đắn. Viettel Global đã trở thành doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô, là một doanh nghiệp toàn cầu cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn hàng đầu thế giới, rất vững vàng.
Đóng góp của Viettel Global tại nước ngoài góp phần nâng cao vị thế và giá trị thương hiệu của Tập đoàn Viettel. Năm 2023, thương hiệu Viettel được Brand Finance định giá gần 9 tỷ USD. Một doanh nghiệp nếu chỉ đầu tư trong nước thì không bao giờ được tổ chức đó định giá cao như vậy. Đầu tư ra nước ngoài thành công cũng giúp cho Viettel và Việt Nam ghi dấu trên bản đồ thế giới.
Thứ hai, Viettel Global liên tục tăng trưởng rất tốt, nhiều năm gần đây là động lực tăng trưởng quan trọng của Tập đoàn Viettel. Thực ra, chúng tôi mới làm viễn thông tốt, còn chuyển đổi số, giải pháp Công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị và sau này là 5G, 6G, các thiết bị vOCS tính cước, thiết bị viễn thông, thiết bị sản xuất… sẽ giúp chúng tôi mở rộng không gian mới.
Vậy còn thách thức của VTG ở tuổi 17?
17 - 18 hay 100 năm thì một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải liên tục tìm không gian phát triển mới. Thị trường mà Viettel Global mở gần đây nhất là Myanmar đã cách đây 5 năm rồi. Thách thức đó cần tìm lời giải.
Ví dụ, có tiếp tục đầu tư tại các nước mới hay không, hay dừng lại hoặc mở rộng thị trường bằng hình thức khác? Ngày xưa người Viettel đi mở đường với thế mạnh là viễn thông nhưng bây giờ viễn thông đã bão hòa. Cái hay là bây giờ Viettel đã trở thành thương hiệu uy tín và có danh tiếng, được nhiều đất nước chủ động mời chào Viettel đến đầu tư, như Ai Cập, Nigeria, Nepal, Bangladesh, Dominica, Jordan, Guinea Bissau…
Chúng tôi xác định chiến lược 2025 là doanh thu các dịch vụ mới chiếm 15-25% tổng doanh thu các thị trường nước ngoài. Theo đó, các công ty thị trường sẽ phải tách các bộ phận về dịch vụ số để làm những điều đó, mà những công ty ví điện tử tại Tanzania, Burundi, Myanmar, Lào Campuchia... là những ví dụ.
Thứ 3 là nhân sự làm công nghệ ở các thị trường rất ít, 95-98% vẫn là viễn thông. Trong khi đó, để trở thành doanh nghiệp công nghệ số cần 10-20% nhân sự công nghệ chủ yếu là người ở nước sở tại. Tuy nhiên, ở một số thị trường tiên phong như Campuchia, tỷ lệ này đã đạt 15%, Lào cũng vậy. Với các thị trường khác chúng tôi đang cố gắng tăng nhanh tỷ lệ này.
Theo dự kiến, các thị trường quốc tế của Viettel Global sẽ đạt mức độ bão hòa về 4G khoảng 3-5 năm nữa. Trong thời gian này, chúng tôi đồng thời chuẩn bị nguồn lực và kế hoạch hành động cho chuyển đổi số.
Hiện giờ, trình độ công nghệ của Tập đoàn Viettel đã mạnh lên, và có nhiều bài học từ những thành công, thất bại ở thị trường trong nước. Kinh nghiệm từ chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam cho thấy, chuyển đổi số cần các hạt nhân, cần sếu đầu đàn làm mẫu, làm gương, cần hạt nhân để lôi kéo, tạo hệ sinh thái.
Tại các thị trường của Viettel, chúng tôi có chiến lược làm mẫu, làm thử cho các bộ ban ngành, doanh nghiệp, đào tạo họ dùng các dịch vụ số. Khi dùng rồi, thấy giá trị vượt trội thì họ bị "gây nghiện" và không thể không dùng được nữa, vì khó làm việc.
Chúng tôi tin rằng, tới năm 2025, các hoạt động chuyển đổi số, mức độ trưởng thành số của các quốc gia mà Viettel đầu tư sẽ tăng nhanh hơn bây giờ rất nhiều. Chúng tôi kiên định với con đường đó.
Xin cảm ơn ông!