A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CEO PAN Group: Việc nông dân Thái Lan chuyển sang sử dụng giống lúa của Việt Nam nói lên điều gì?

“Gần đây, truyền thông đưa tin nông dân Thái Lan chuyển sang sử dụng giống của Việt Nam, cụ thể là Jasmine 85 vì ngắn ngày, cho năng suất cao và chất lượng gạo ngon”, chia sẻ đáng chú ý của bà Nguyễn Trà My – Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) tại sự kiện Vietnam CEO Forum 2024 mới đây.

CEO PAN Group: Việc nông dân Thái Lan chuyển sang sử dụng giống lúa của Việt Nam nói lên điều gì?

Thái Lan từ lâu đã là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo, và hôm nay người nông dân sở tại lại rất ưa chuộng một sản phẩm của Việt Nam. Theo bà My, đó chính là thành quả của công cuộc cải cách.

Chưa kể, nông dân Campuchia hiện cũng rất ưa chuộng các giống gạo thơm của Việt Nam. Đầu năm nay Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia đã thừa nhận năm 2023, nông dân nước này đã chuyển đổi sản xuất từ các giống lúa địa phương sang những giống lúa thơm đặc sản, nổi tiếng của Việt Nam như 5451, ST và Đài Thơm 8 vì hiệu quả kinh tế cao hơn.

"Đây là hiện tượng thực ra đã xảy ra nhiều năm một cách không chính thức. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự phát triển của Việt Nam trong R&D và chọn tạo giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa", bà My nói.

Việt Nam từ nước có điểm xuất phát thấp đã vươn lên là nước xuất khẩu gạo lớn, giá thậm chí vượt Thái Lan, Ấn Độ

Ngành lúa gạo Việt Nam có điểm xuất phát thấp trong khu vực. 40 năm trước trong khi một số nước như Philippines và Indonesia chủ động được lương thực, thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm. Từ năm 1989 đến nay, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo của thế giới, còn Philippines và Indonesia phải quay lại liên tục nhập khẩu, dù Chính phủ các nước đã rất nỗ lực khôi phục khả năng tự cung tự cấp ngành gạo nhưng vẫn chưa thành công. Điều này cho thấy khi sản xuất lúa gạo tuột dốc thì việc khôi phục lại là rất khó.

Đặc biệt là những năm trở lại đây, chúng ta thấy rằng khi chuỗi cung ứng lương thực của thế giới đứt gãy trong giai đoạn Covid-19, hay khủng hoảng về thị trường gạo như năm 2023, Việt Nam không những đủ để ăn, để dùng, mà chúng ta còn xuất khẩu, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới. "Điều gì làm nên sự thành công của Việt Nam?", đại diện PAN đặt vấn đề.

Theo bà, khi so sánh các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Nam Á, ngành lúa gạo Việt Nam có sự khác biệt ở các điểm:

Thứ nhất, Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất lúa. Nhờ vậy, tỷ lệ diện tích lúa có tưới của Việt Nam lên đến 85% cao nhất trong khu vực, so với nhiều nước tỷ lệ diện tích lúa có tưới thường từ 20-50% còn phần lớn diện tích canh tác lúa bằng nước trời.

Thứ hai, chiến lược chọn tạo giống lúa của Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa năng suất cao nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc cực ngắn (90-110 ngày) và chất lượng cao. Thực hiện chiến lược này là sự dày công của các nhà khoa học Việt Nam và đến nay đã đem lại sự thành công.

Ở ĐBSCL, các giống lúa chủ lực hiện nay có thời gian sinh trưởng 90-105 ngày, nhưng có thể đạt 7-8 tấn/ha và có chất lượng tốt. Các giống lúa này cũng là các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu, nhờ vậy đã nâng cao được chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, mà dấu mốc là năm 2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt trên Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ là các nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới.

Nông nghiệp là ngành hiếm hoi có thể đưa Việt Nam nổi trội trên toàn cầu

Tại PAN, xác định chỉ có "Nông nghiệp là ngành hiếm hoi có thể đưa Việt Nam nổi trội trên toàn cầu, ngoài ra không còn ngành nào khác", PAN luôn có những cải tiến mỗi ngày cũng như những công cuộc cải cách để có thể nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt.

Với lúa gạo, Tập đoàn hàng năm đều có những giải thưởng. Tiêu biểu là 1 nhà nữ khoa học đã tạo ra giống lúa Đài Thơm 8 nổi tiếng được nông dân cả nước ưa chuộng, hiện đóng góp đến hơn 30% lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam. Sắp tới đây, vào quý 4, PAN sẽ ra mắt 1 giống lúa mới được cải tiến với những đặc tính vượt trội hơn nữa về chịu hạn, chịu mặn và cho chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với cả điều kiện khí hậu 3 miền Bắc-Trung-Nam, đặc biệt là vụ Hè Thu khắc nghiệt phía Bắc.

Ngoài ra, Công ty cũng đã thực hiện một cuộc cải tổ lớn với ngành điều, chuyển đổi sản xuất từ sản phẩm thô sang hàng GTGT để xuất khẩu. Và hôm nay, sản phẩm này của Công ty đã xuất khẩu thành công sang châu Âu, PAN cũng sắp đưa được hàng lên kệ Walmart.

Hay tại đơn vị bánh kẹo, ngày xưa thay vì mỗi ngày bỏ đi 100.000 vỏ trứng, thì PAN nay đã thu gom, xử lý, nghiền và bán lại cho công ty khác, tiền thu về lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nói đi cũng nói lại, để cải cách thì PAN cũng đã trải qua rất nhiều thất bại, và dĩ nhiên cũng tốn nhiều chi phí. Bà My kể, một trong những dự án không thành công của PAN là năm 2012, có một loại bánh mới ra và bán rất chạy. Lúc bấy giờ, PAN đã đề xuất mua luôn dây chuyền sản xuất bao bì. Và đến năm thứ 4 thứ 5 thì dây chuyền này phải chấp nhận bán lại với giá sắt vụn.

Và bài học rút ra theo bà My chính là "Không nên tham quá, cái gì cũng phải theo sở trường của mình".

Trở lại với việc cải cách, theo PAN cần nhất là lãnh đạo phải có sự kiên định và can đảm. Để từ đó có thể truyền được cảm hứng và sự tin tưởng cho nhân viên khi thực hiện một cải cách. Bởi, cải cách không hề dễ, lại tốn tiền và chấp nhận một cái hoàn toàn mới.

Tại PAN, có một đặc thù trong khi PAN năm nay chỉ hơn 12 tuổi, trong khi các công ty thành viên tuổi đời lên đến 50-56 tuổi cùng đội ngũ lãnh đạo có 9x, 7x, 6x và thậm chí là 3x… thì cái khó khi cải cách là làm sao để mọi người cùng đoàn kết xây dựng được chuỗi giá trị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật