Bầu Đức chính thức bán bò Lào, chuỗi nông nghiệp khép kín có vai trò quan trọng của một công ty giấy
Trong lần hợp tác trở lại với bầu Đức, không chỉ nhập thương hiệu bò để phân phối tại Bapi HAGL (hoàn thiện chuỗi thịt theo kỳ vọng của HAGL), Giấy Đức Phú được biết có những giao dịch trước đó với HAGL liên quan đến xuất khẩu.
Thương hiệu bò Lamon đã chính thức lên kệ Bapi HAGL. Theo giới thiệu của đại diện, Lamon hướng tới đối tượng khách hàng là các bà nội trợ và người trẻ.
Các sản phẩm bò Lamon sẽ có mặt tại tất cả các cửa hàng Bapi HAGL tại Tp.HCM và Hà Nội. Dự kiến đến năm 2023, bò Lamon và heo ăn chuối Bapi sẽ phủ sóng tại 1.000 cửa hàng trên cả nước.
Thương hiệu bò Lamon đã chính thức lên kệ Bapi HAGL.
Đáng chú ý, đơn vị nhập khẩu bò là Giấy Đức Phú – đại diện là ông Đỗ Xuân Diện. Ông Diện từng là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Thaco, đồng thời là cầu nối trong “cuộc hôn nhân” giữa Thaco và HAGL năm 2018.
Cụ thể, ông Diện có vai trò dẫn dắt công ty nông nghiệp thuở đầu với tên Thadi (sau khi Thaco đầu tư chiến lược vào HAGL năm 2018). Trước khi ngồi ghế Chủ tịch Thadi, ông Đỗ Xuân Diện là nguyên Trưởng Ban quản lý Khu KTM Chu Lai. Sau khi Thaco có đợt thái cấu trúc toàn diện và sau đó chính thức tách bạch với HAGL, ông cũng ít xuất hiện.
Trong lần hợp tác trở lại với bầu Đức, không chỉ nhập thương hiệu bò để phân phối tại Bapi HAGL (hoàn thiện chuỗi thịt theo kỳ vọng của HAGL), Giấy Đức Phú được biết có những giao dịch trước đó với HAGL liên quan đến xuất khẩu.
Bên cạnh việc nhập khẩu bò, chi nhánh Hà Tĩnh của Giấy Đức Phú cũng được cấp giấp phép chăn nuôi, công suất tối đa 5.000 con bò thịt.
Trở lại với thương hiệu Bò Lamon, thịt được lấy từ giống bò bản địa truyền thống của người Mông ở Lào, nuôi ở độ cao 1.200m tại các vùng núi trải dọc phía Tây Trường Sơn – Lào. Chế độ dinh dưỡng của bò Lamon thuần thực vật từ cỏ voi, cám gạo, bắp, sắn, thảo mộc... Sau hơn 100 ngày chăm sóc, bò Lamon đạt chuẩn sẽ được xuất chuồng với trọng lượng 330-350kg.
Về phía HAGL, bầu Đức vừa đưa cổ đông đi thực địa dự án tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Một số điểm đáng chú ý như sau:
(i) HAGL đã đưa vào vận hành nhà máy đóng gói heo Bapi (tại trụ sở ban đầu của HAGL ở Gia Lai), đang xúc tiến hoàn thành nhà máy giết mổ gà với công suất 1.200-1.500 con/giờ (tại Gia Lai, bên cạnh xưởng sản xuất gỗ cũ).
(ii) Công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng cụm chăn nuôi heo ăn chuối, mục tiêu ít nhất phải đạt 700.000 con heo đến năm 2023 (tương đương 2.000 con/ngày, hiện tại đã đạt gần 1.300 con xuất chuồng/ngày).
(iii) Mở rộng diện tích trồng chuối. Bên cạnh xuất khẩu, nếu nhu cầu cho chăn nuôi tăng khi quy mô mở rộng, bầu Đức cũng có chủ trương trồng thêm chuối tại hai vùng Lào và Campuchia.
(iv) Trồng thí điểm bắp, nếu thành công có thể tăng lên 3.000ha bắp, mục tiêu là tự cung nguyên vật liệu cho mảng chăn nuôi. Hiện, đầu vào của thức ăn chăn nuôi Heo ăn chuối gồm: Chuối (>35%), bắp (35%, đang phải nhập khẩu), đậu nành cùng các vi lượng. Nếu tự cung được chuối và bắp, HAGL có thể tự chủ được 70% đầu vào trong thức ăn chăn nuôi.
(v) Riêng tại Lào, bầu Đức cho biết từ sau khi bàn giao công ty nông nghiệp cho Thaco (đầu năm 2021), HAGL đã bắt đầu lại từ con số 0. Sau 1,5 năm, HAGL đã trồng được hơn 2.000ha chuối, có xưởng phân loại, đóng gói trái cây và chế biến chuối thải thành thức ăn, nuôi keo và thả gà thí điểm…
Luỹ kế 11 tháng, HAGL đạt 4.100 tỷ doanh thu và 1.115 tỷ LNST - tương đương 99% chỉ tiêu cả năm đề ra.
Theo các cổ đông, HAGL đã cơ bản hoàn thiện được cơ sở cho chuỗi nông nghiệp khép kín, vấn đề bây giờ là có tiền đầu tư sẽ đẩy mạnh đồng thời quy trình hoá khâu vận hành, đưa công nghệ vào để quản trị chặt chẽ hơn.
Hiện, cùng với lợi nhuận tạo ra từ nông nghiệp, người đứng đầu HAGL đang kỳ vọng thúc đẩy tiến độ phát hành riêng lẻ sắp tới (đã có đối tác mua, phương án sử dụng vốn, chốt giá bán…).