Bắt tay với Viettel Post, “ông trùm” Canon Lê Bảo Minh lấn sân mảng logistics trị giá hơn 40 tỷ USD
Trong động thái ký kết với Viettel Post, Lê Bảo Minh đồng thời tuyên bố muốn thay đổi nhận diện sang công ty logistics.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), bán hàng xuyên biên giới… đưa ngành logistics đã và đang tăng trưởng cực nóng những năm qua. Trong cuộc chơi ấy, ngày càng nhiều “ông lớn” trái ngành gia nhập.
Chia sẻ mới đây, đại diện Viettel Post vừa khẳng định Tập đoàn chính thức định hình bản thân là một doanh nghiệp logistics thực thụ, không dừng lại ở giao nhận hàng. Tuyên bố được đưa ra sau 1 năm chi mạnh đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị logistics toàn diện từ nhận diện thương hiệu, các gói cước, dịch vụ mới…
Bước sang đầu năm 2024, Viettel Post tiếp tục “bắt tay” với CTCP Lê Bảo Minh, nhằm cung cấp giải pháp logistics trọn gói về ngành dược cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân phối dược phẩm như xuất nhập khẩu dược phẩm, cho thuê và vận hành kho đạt chuẩn GDP, GSP.
Cần nhấn mạnh, Lê Bảo Minh được biết đến là “ông trùm” Canon, đứng Top 1 thị trường máy ảnh kỹ thuật số với hơn 80% thị phần, vị trí số 1 thị trường máy in với hơn 60% thị phần, vị trí số 2 thị trường máy photocopy với 20% thị phần…
Nhìn lại, cách đây khoảng 30 năm, internet còn là một khái niệm xa lạ với đại đa số người Việt, việc chụp hình được xem là một sự kiện quan trọng và có tính may rủi. Chúng ta phải thuê thợ ảnh hoặc tới tiệm ảnh để chụp rồi hồi hộp chờ đợi tráng phim, rọi ảnh; rồi mất mấy ngày sau mới biết được hình mình chụp là xấu hay đẹp. Máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời màn hình cảm ứng và máy in màu kỹ thuật số, chụp xong in ảnh trong nháy mắt là điều không tưởng. Và nếu có tưởng tượng ra thì cũng chẳng mấy ai tin người Việt có cơ hội sử dụng. Vì khi ấy, Việt Nam là một nước có thu nhập thấp. GDP bình quân theo đầu người còn chưa đến 225 USD, chỉ bằng 5% so với thời điểm hiện tại.
Từ năm 1997, Lê Bảo Minh chính thức ra đời và đưa khái niệm chụp hình kỹ thuật số vào Việt Nam. Từ đó đến nay, Lê Bảo Minh là nhà phân phối chính thức sản phẩm Canon tại Việt Nam. Bản thân Canon đang sở hữu 300 đại lý phân phối tại Việt Nam. Doanh nghiệp cũng đã thành lập 4 nhà máy trong vòng 18 năm qua gồm tại KCN Thăng Long – Hà Nội, Quế Võ và Tiên Sơn – Bắc Ninh, cũng như tại Phố Nối – Hưng Yên.
Trong động thái ký kết với Viettel Post, Lê Bảo Minh đồng thời tuyên bố muốn thay đổi nhận diện sang công ty logistics. Đây không phải quyết định tức thời, mà là kế hoạch ấp ủ lâu của Lê Bảo Minh. Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại quốc tế đối với cung - cầu hàng hóa. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự thiếu hụt vật tư y tế, thuốc thang, vắc xin phòng bệnh trong những giai đoạn căng thẳng của công cuộc chống dịch đã tác động mạnh mẽ đến ý thức trách nhiệm của chúng tôi đối với đất nước. Chính điều này manh nha chiến lược lấn sân mảng logistics dược của Lê Bảo Minh.
Thực tế, logistics đang là “miếng bánh” đầy tiềm năng của Việt Nam. Việt Nam đã vào top 10 thị trường logistics mới nổi thế giới (Emerging Markets Index 2023) theo xếp hạng của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của ngành giai đoạn 2022 – 2027 đạt 5,5%.
Đánh giá của Agility, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Tính đến năm 2022, Việt Nam có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán...
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, dòng vốn ngoại cũng liên tục đổ vào thị trường thông qua nhiều dự án logistics quy mô lớn, vốn đầu tư “khủng” đã được đưa vào hoạt động tại Việt Nam - cho thấy sức hút của thị trường logistics Việt vẫn chưa “giảm nhiệt”, bất chấp tình hình kinh tế còn khó khăn.