A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia nhận định cử tạ và bắn súng đủ cơ sở tranh huy chương Olympic

Khi nói về cơ hội để thể thao Việt Nam có thể đạt được kết quả ở đấu trường Olympic tiếp theo thì giới chuyên môn vẫn kỳ vọng vào bắn súng và cử tạ.

Chuyên gia nhận định cử tạ và bắn súng đủ cơ sở tranh huy chương Olympic

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh (bắn súng) tại Olympic 2024. Ảnh: TTXVN

Phù hợp với khả năng

Nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kì Olympic năm 2016 và Olympic năm 2020 - ông Trần Đức Phấn đã đưa đánh giá về tổng qua, chúng ta rất kỳ vọng vào sự thành công của bắn súng tại Paris lần này mà ở đó xạ thủ Trịnh Thu Vinh (bắn súng), lực sĩ Trịnh Văn Vinh (cử tạ) nhận nhiều cơ hội có thể thành công nhất.

“Tôi từng là trưởng đoàn thể thao Việt Nam và không có thành công tại kì Olympic năm 2020 tại Nhật Bản. Tôi hiểu được tâm trạng của nhà quản lý khi chúng ta không có được thành tích như chờ đợi. Tôi có theo dõi các tuyển thủ Việt Nam thi đấu tại Pháp lần này và chúng ta hiểu rằng môn cử tạ, bắn súng có cơ hội tranh chấp huy chương.

Đây là những môn được ngành thể thao đầu tư trong nhiều năm để hướng đến những mục tiêu quan trọng trên đấu trường quốc tế. Nhà quản lý thể thao đều đánh giá được cơ hội tranh chấp huy chương của 16 tuyển thủ Việt Nam dự Olympic Paris 2024 tới đâu.

Hai tuyển thủ Thu Vinh, Văn Vinh là những người đã được chuẩn bị với nguồn lực tốt nhất của chúng ta, họ có sự chuẩn bị tâm lý nhưng còn thiếu một chút may mắn để thành công lần này”, ông Trần Đức Phấn nói.

Trên thực tế, từ khi chúng ta tham dự đấu trường Olympic vào năm 1980 đến nay, thể thao Việt Nam đã giành được tổng 5 tấm huy chương các loại. Trong đó, môn cử tạ và bắn súng vẫn đang đạt được kết quả tốt nhất. Bắn súng có một huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Olympic năm 2016.

Cử tạ có 1 huy chương bạc ở Olympic năm 2008 và 1 huy chương đồng ở Olympic năm 2012. Khi chia sẻ với báo chí ngay tại Olympic Paris 2024, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - ông Đặng Hà Việt đã cho biết thể thao Việt Nam vẫn tiếp tục lộ trình đầu tư môn thể thao trọng điểm mà ở đó bắn súng, cử tạ chắc chắn nằm trong danh sách.

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh tại Olympic 2024. Ảnh: TTXVN

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh tại Olympic 2024. Ảnh: TTXVN

Đầu tư như thế nào?

Đưa tiếp quan điểm của mình, ông Trần Đức Phấn cho rằng một trong những vấn đề mà thể thao Việt Nam phải giải quyết tốt lúc này đó là phân cấp và có mục tiêu thay đổi với các đấu trường thể thao lớn. “Chúng ta luôn phải thực hiện nhiệm vụ góp mặt liên tục các đấu trường thể thao với SEA Games là hai năm/lần.

Tiếp đó là chu kì của ASIAD nối tiếp. Khi vừa xong ASIAD là tới Olympic. Bây giờ tôi thấy rằng, việc thay đổi mục tiêu phải tập trung xoay trục vào đấu trường ASIAD và Olympic. Đã đến lúc, chúng ta không còn sử dụng là đầu tư trọng điểm nữa mà phải là đầu tư trọng điểm đột phá”, ông Trần Đức Phấn trao đổi thêm.

Giải bài toán quan trọng cuối cùng vẫn chỉ nằm ở hai vấn đề gồm thành tích và nguồn kinh phí đầu tư. Nếu chúng ta có được kinh phí đầy đủ nhất từ đó ngành thể thao có được sự quy hoạch đồng bộ để thay đổi đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, áp dụng khoa học kĩ thuật kết hợp với huấn luyện chuyên môn thì vận động viên mới có được sự đầu tư bài bản.

Thực tế tại Olympic Paris 2024 đã chứng minh điều này. Đó là Đoàn thể thao Việt Nam thấy được các quốc gia giành được huy chương đều là những quốc gia đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng thể thao gồm trang thiết bị, nhân lực hỗ trợ vận động viên. Khi vận động viên có được sự trang bị đầy đủ, họ sẽ đạt được tối đa năng lực để giành huy chương.

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục - Thể thao) - ông Nguyễn Hồng Minh, cũng đưa quan điểm của mình đó là thể thao Việt Nam cần tính toán lại cách đầu tư và mục tiêu. Chúng ta không nhất thiết phải tập trung tối đa vào đấu trường SEA Games mà phải tính toán hiệu quả để có con người tốt nhất, có những tài sản chuyên biệt đặc thù chỉ dành cho tranh tài ASIAD hay Olympic nhằm tranh kết quả huy chương.

“Cần chú ý việc đầu tư môn, nhóm môn cùng nội dung thi đấu phù hợp. Đơn cử, cử tạ sẽ là nhóm cân nhỏ của nam, nữ; bắn súng là súng ngắn, võ thuật có các nhóm hạng cân nhỏ. Đó là những nội dung phù hợp với thể trạng, thể chất của vận động viên chúng ta nhưng lại có khả năng tranh chấp được kết quả huy chương thành tích cao. Nhưng trên hết, chúng ta phải tìm được các nguồn lực xã hội hóa cùng đồng hành thì sẽ chung ta đầu tư hiệu quả”, ông Nguyễn Hồng Minh nói thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan