Việt Nam sở hữu một nhóm hàng đang “hốt bạc” từ Đông sang Tây: Trung Quốc, Mỹ ra sức chi hàng tỷ USD mua hàng, nước ta xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới
Trung Quốc cũng mạnh tay nhập khẩu mặt hàng này dù xuất khẩu đứng đầu thế giới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD chủ lực của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 8/2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm nhẹ 4% so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại thu về hơn 13,58 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng xếp thứ 5 về trị giá xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2023.
Giày dép là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên toàn cầu. Trong 8 tháng đầu năm, 2 thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận trị giá xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Xét về thị trường, Mỹ là thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam với hơn 670 triệu USD trong tháng 8, giảm 10,2% so với tháng trước đó. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang xứ cờ hoa thu về hơn 4,7 tỷ USD, giảm 32% nhưng chiếm 35,6% thị phần.
Top 5 thị trường lớn nhất còn có thêm sự góp mặt của Bỉ, Nhật Bản và Hà Lan với tỷ trọng lần lượt là 6%; 5,4% và 4,6%.
Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” khá tốt. Việt Nam được đánh giá là thị trường uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giầy, đặc biệt là giầy thể thao theo các nhãn hàng lớn.
Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, sản xuất giày dép trên toàn thế giới trong giai đoạn 2010 – 2019 tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 2,2%. Năm 2019, ngành công nghiệp tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 0,6% so với năm 2018, đạt mức kỷ lục sản xuất mới với 24,3 tỷ đôi. Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh giày dép thế giới với sản xuất giảm 15,8% (tương đương giảm gần 4 tỷ đôi) so với năm 2019, đạt 20,5 tỷ đôi.
Bước sang năm 2023, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang, đã ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giầy.
Theo “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đến năm 2025 đạt 27 – 28 tỷ USD và đạt 38 – 39 tỷ USD vào năm 2030. Xuất khẩu giày dép của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 10 – 12%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026.