A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền bí kíp sản xuất, kinh doanh cho người dân Krông Năng thoát nghèo

Đắk Lắk - Các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt tại huyện Krông Năng đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững.

Truyền bí kíp sản xuất, kinh doanh cho người dân Krông Năng thoát nghèo

Người dân huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) thảo luận về quy trình chăn nuôi trong một lớp tập huấn cách chăm sóc bò sinh sản. Ảnh: Bảo Trung

Truyền đạt kiến thức sản xuất cho người dân

Sinh ra ở tỉnh Nghệ An, lập nghiệp tại cao nguyên Đắk Lắk, gia đình anh Phạm Ngọc Vinh (SN 1976), ở xã DliêYa, huyện Krông Năng từng gặp nhiều khó khăn để mưu sinh. Nhiều năm liền, gia đình anh Vinh thuộc diện hộ nghèo trong xã.

Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, anh Vinh đã tiếp cận được nguồn giống cây trồng, kỹ thuật canh tác... thông qua các lớp tập huấn chuyên đề.

Anh Phạm Ngọc Vinh bên chiếc xe công nông một trong những phương tiện giúp anh thoát nghèo. Ảnh: Bảo Trung

Nhờ được tập huấn các kiến thức phát triển sản xuất nên anh Phạm Ngọc Vinh đã từng bước vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo. Ảnh: Bảo Trung

Hiện nay, anh Vinh đang nhận khoán trồng 1ha cà phê. Sau khi nộp sản lượng cho nông trường, mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng 2,4 tấn cà phê nhân xô, giá trị hàng trăm triệu đồng.

Sau khi hoàn thành công việc nương rẫy, anh Vinh còn tranh thủ thời gian đi làm thợ xây để gia tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Vinh chia sẻ với phóng viên về hành trình thoát nghèo. Ảnh: Bảo Trung

Anh Vinh chia sẻ với phóng viên về hành trình thoát nghèo. Ảnh: Bảo Trung

Anh Vinh chia sẻ: "Các lớp tập huấn kỹ năng sản xuất nông nghiệp từ chương trình mục tiêu quốc gia là rất thiết thực. Việc này đã giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời, chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu sang mô hình hiệu quả, góp phần ổn định và nâng cao đời sống".

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ đó nên gia đình anh Phạm Ngọc Vinh đã vươn lên thoát nghèo từ đầu năm 2025.

Anh Vinh kể về niềm vui khi vừa hoàn thành căn nhà kiên cố cho vợ con. Ảnh: Bảo Trung

Anh Vinh kể về niềm vui khi vừa hoàn thành căn nhà kiên cố cho vợ con an cư lạc nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Tương tự, anh Y’Bhui Mlô là gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Ea Hồ với 7 người con. Với 6 sào lúa, hai vợ chồng thu nhập chưa đủ trang trải sinh hoạt. Năm 2025, nhận được bò cái sinh sản hỗ trợ từ chính quyền xã, anh Y’Bhui Mlô rất vui mừng.

“Tôi rất biết ơn việc chính quyền xã, huyện đã tổ chức mở tập huấn chăm sóc bò sinh sản. Chỉ có khi tham gia lớp học này tôi mới biết cách chăm sóc, giúp bò phát triển, sinh sản tốt để thoát nghèo bền vững”, anh Y’ Bhui Mlô nói.

Người dân cần trân trọng cơ hội học tập

Những trường hợp trên là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của chính quyền các cấp huyện Krông Năng.

Từ đó, phát huy nội lực người dân, đồng thời có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Krông Năng tiếp tục nhân rộng, cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm tới.

Chính quyền xã Ea Hồ luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để giúp người nghèo có thời gian phát triển kinh tế. Ảnh: Bảo Trung

Chính quyền xã Ea Hồ luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để giúp người nghèo có thời gian phát triển kinh tế. Ảnh: Bảo Trung

Anh Võ Tá Bá (viên chức Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Krông Năng) là một trong những người thường xuyên đi cơ sở, tập huấn kỹ năng, chăm sóc gia súc cho bà con.

Ngoài ra, anh Bá còn có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy, truyền tải kinh nghiệm chăn nuôi những năm qua cho người dân ở các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Người dân chăm chú nghe giảng trong một buổi tập huấn chăm sóc bò sinh sản. Ảnh: Bảo Trung

Người dân chăm chú nghe giảng trong một buổi tập huấn chăm sóc bò sinh sản. Ảnh: Bảo Trung

Anh Bá cho biết, thông qua các lớp tập huấn, người chăn nuôi đã hiểu rõ hơn về sinh lý sinh sản của bò – yếu tố nền tảng quan trọng giúp nâng cao tỷ lệ sinh sản và cải thiện chất lượng giống. Các buổi tập huấn cũng tạo điều kiện để người dân trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chăn nuôi.

“Vì vậy, khi tham gia các lớp tập huấn, bà con cần trân trọng cơ hội học tập, tích cực tiếp thu kiến thức, nghiên cứu tài liệu để vận dụng vào thực tiễn. Đây chính là chìa khóa giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và thoát nghèo một cách bền vững”, anh Bá nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật