A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh “tăng tốc” kinh tế để về đích

Trong 9 tháng qua, tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài gặp khó khăn. Điều này cho thấy những giải pháp phục hồi kinh tế của TP đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn phía trước, do đó, muốn đạt mục tiêu của năm, TP cần đẩy mạnh “tăng tốc” kinh tế để về đích.

Dịch vụ vẫn là trụ cột kinh tế

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng kinh tế TP từ tháng 5 đến hết tháng 9 được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài gặp khó. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quí III/2023 ước tăng 6,7%, 9 tháng ước tăng 5% so với cùng kì. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP tăng 3,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng của TP ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kì; Tổng doanh thu du lịch 9 tháng đạt 125.463 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kì. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 26.994.560 lượt, tăng 25% và khách quốc tế đến TP ước đạt gần 3,6 triệu lượt, tăng 69% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng của TP ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kì

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng của TP ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kì

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, 9 tháng qua, khu vực dịch vụ vẫn là trụ cột chính trong tăng trưởng. Do đó, những tháng cuối năm, kích cầu tiêu dùng là một kênh quan trọng mà TP cần tập trung thực hiện. Tuy nhiên, trong 9 ngành dịch vụ, chỉ duy nhất ngành bất động sản vẫn tăng trưởng âm, giảm 8,71%. Bất động sản suy giảm kéo theo ngành Xây dựng giảm, vì vậy vấn đề tháo gỡ cho thị trường bất động sản là một nút thắt TP Hồ Chí Minh cần giải quyết…

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, từ tháng 7 đến 9/2023, ngành Bán lẻ trong nước có những tín hiệu phục hồi khá tích cực khi đạt mức tăng trưởng trên 7% so cùng kỳ năm trước. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ đạt được rất ấn tượng, bởi bối cảnh tổng cầu thế giới vẫn giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Thực tế cho thấy, các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng; Giãn thời gian nộp thuế; Giảm thuế, phí sử dụng đất; Đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mãi tập trung; Chính sách visa du lịch; Giảm lãi suất cho vay... đã phát huy khá hiệu quả.

Ngành Du lịch là điểm sáng nổi bật của TP Hồ Chí Minh trong những tháng qua (Ảnh: TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh 2023)

Ngành Du lịch là điểm sáng nổi bật của TP Hồ Chí Minh trong những tháng qua (Ảnh: TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh 2023)

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đang có những dấu hiệu khởi sắc. Các lĩnh vực như: Dệt may, lương thực - thực phẩm bắt đầu nhận được những đơn hàng trở lại.

Đặc biệt, tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là HĐND TP đã thông qua nghị quyết ban hành về quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định đà phục hồi tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh việc bơm vốn vào nền kinh tế thông qua việc giảm bớt thủ tục và điều kiện vay vốn, ký kết hợp tác giữa các ngân hàng và UBND các quận, huyện cũng như giảm điều kiện thế chấp tiền vay. Bên cạnh đó, các sở, ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng giải quyết các yêu cầu cấp bách và chính đáng của doanh nghiệp.

Thách thức và hành động

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng TP đã làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, nhiều lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có một số tồn tại, hạn chế như: Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng; Xuất khẩu trong 9 tháng đạt 31,53 tỷ USD, giảm 14,2% và nhập khẩu đạt 40,23 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kì. Tổng thu ngân sách Nhà nước của TP hơn 326.000 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán năm, giảm 6,35% so với cùng kỳ…

Còn theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, kinh tế quý II, III khởi sắc nhưng để hoàn thành kế hoạch năm thì áp lực quý IV rất lớn. Nếu muốn GRDP 2023 tăng trưởng 7,5%, quý cuối cần tăng 15%. Còn kỳ vọng tăng trưởng ở mức 6,5% hoặc 5,5% thì cũng cần kết quả 3 tháng cuối năm lần lượt là 11% và 9%. Trong khi đó, giai đoạn này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm 34,1%, chỉ đạt gần 2 tỷ USD.

Để giải quyết những tồn tại, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Từ đầu năm đến nay, TP đã đón tiếp nhiều tập đoàn nước ngoài đến tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm từ doanh nghiệp Việt Nam, điều này mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp. Do vậy, TP cần tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến giao thương trong và ngoài nước để tăng cơ hội tiếp cận đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, cần chú trọng tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường… để tăng sức mua cho thị trường nội địa, góp phần lan tỏa động lực tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực khác liên quan.

Tương tự, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, TP cần sớm giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong từng lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực TP đang tập trung phát triển như: Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, công nghiệp năng lượng sạch, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, sản xuất chip - bán dẫn… Bởi đầu tư các lĩnh vực trên phải là những nhà đầu tư chiến lược nên đòi hỏi chính sách thu hút đặc biệt, thay cho áp dụng chính sách mời gọi thông thường.

Ngoài ra, TP cũng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và bước đầu áp dụng thí điểm một số ngành chủ lực.

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Liên quan vấn đề đầu tư công, trong năm 2023, TP Hồ Chí Minh được giao và phân bổ hơn 68.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến hết tháng 9, TP ước giải ngân khoảng 22.579,5 tỷ đồng, đạt 33% so với kế hoạch vốn TP giao và đạt 32,0% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, TP cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, nghĩa là phải để nguồn vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế. “Muốn làm được điều này, TP phải công khai, minh bạch mọi vấn đề để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Song song đó, TP cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, động viên, khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Khắc Hoàng nói.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của TP có cải thiện nhưng vẫn nằm trong nhóm địa phương có tốc độ giải ngân chậm. Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp là công tác giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng chậm không chỉ là trách nhiệm của các quận, huyện và TP Thủ Đức mà còn ở các Sở, ngành và cả Văn phòng UBND TP.

Theo đó, ông Phan Văn Mãi đã đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức, các sở, ngành phải sát sao hơn trong công tác này; Trong đó, thời gian đưa ra giá đất để các địa phương áp dụng phải rút xuống còn một tuần, thay vì một tháng như hiện nay. Về phía chủ đầu tư, cần đeo bám địa phương, sở, ngành để gỡ vướng, sớm nhận mặt bằng.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, tăng trưởng của quý III ước đạt 6,7%, trong khi quý II là 5,8% giúp “bù” cho quý I chỉ đạt 0,7%. Cộng chung đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP là 4,5%. Đây là điều đáng mừng bởi theo đà tiến từng bước, ngày càng tăng. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội, chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm... của TP cũng đạt được nhiều kết quả tích cực qua những con số ấn tượng.

Lưu ý các đơn vị đưa ra nhiều giải pháp nhưng không được nóng vội, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trước mắt tập trung giải ngân đầu tư công trong các tháng tới và tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc mua sắm công, chi tiêu công cũng phải được chú ý, phải làm tốt hơn việc chi cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính quyền TP tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên quan điểm “tháo gỡ cùng doanh nghiệp, chứ không phải cho doanh nghiệp”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật