A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng mạng lưới máy bán hàng tự động, nâng cao tiện ích phục vụ người tiêu dùng

Thời gian qua, người dân Thủ đô đã dần quen với những tiện ích mà máy bán hàng tự động đem lại. Do đó, thành phố đang tiếp tục lắp thêm máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng nhằm từng bước hiện đại hóa lĩnh vực thương mại, phục vụ người tiêu dùng.

Từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ

Để tạo thuận lợi cho người dân, du khách khi đến tham quan, du lịch tại Thủ đô, vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống máy bán hàng tự động tại các điểm công cộng. Sau một thời gian sử dụng, thấy rõ những tiện ích của chiếc máy đem lại, thành phố lại lên kế hoạch lắp đặt thêm các máy bán hàng tự động tại các điểm công cộng như công viên, vườn hoa, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, trạm xe buýt, trung tâm thương mại...

Tại sảnh khu nhà ở Quân đội Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), chiếc máy bán hàng tự động được lặp đặt tại vị trí dễ quan sát, diện tích chiếc máy khá nhỏ, gọn như một cây rút tiền ATM, nhưng có thể tự động pha chế hơn 30 loại đồ uống khác nhau. Để mua hàng, người dân chỉ cần thao tác trên màn hình điện tử, chọn đồ uống, thanh toán bằng nhiều hình thức khác nhau như tiền mặt, quét mã QR, sử dụng ví điện tử..., sau khoảng 40 giây đã có cốc đồ uống nóng hổi hoặc mát lạnh mới được pha chế.

Đại diện Công ty cổ phần Skyline VMac, đơn vị cung cấp máy bán cà phê, đồ uống tự động này cho biết, đơn vị đang mở rộng mạng lưới máy pha chế và bán đồ uống tự động, kết hợp các giải pháp công nghệ hiện đại theo xu hướng "chạm và kết nối thông minh". Các máy bán đồ uống tự động Skyline VMac được đặt tại hơn 100 điểm ở các tòa nhà, khu dân cư, khu vực công cộng...

Mở rộng mạng lưới máy bán hàng tự động, nâng cao tiện ích phục vụ người tiêu dùng

Máy bán hàng tự động hiện được lắp đặt tại nhiều điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Việc nhân rộng mạng lưới máy bán hàng tự động là một giải pháp của thành phố Hà Nội nhằm hiện đại hóa lĩnh vực thương mại và phát triển du lịch. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, các máy bán nước tự động đã trở nên quen thuộc với người dân, cũng như khách du lịch trong nhiều năm qua. Mỗi máy chỉ chiếm diện tích khoảng 1m2 nhưng có thể chứa tới 300 sản phẩm, doanh thu từ mỗi chiếc máy đạt hàng chục triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Cuối tuần, tôi thường đưa cả gia đình lên khu vực phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm để vui chơi. Quanh khu vực đó có rất nhiều máy bán hàng tự động để phục vụ người dân và khách tham quan, các mặt hàng được bán tại máy tự động chủ yếu là các loại đồ uống. Thao tác chọn mua cũng rất đơn giản, dễ dàng với mức giá công khai. Nhất là có thể hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người khác, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19".

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống máy bán hàng tự động, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng đến năm 2025. Thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các ngành chức năng rà soát, khảo sát, tổng hợp danh sách các địa điểm công cộng phù hợp lắp đặt máy bán hàng tự động như công viên, vườn hoa, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại...

Sau khi lắp đặt sẽ công bố công khai các địa điểm, tích hợp mạng lưới địa điểm này vào hệ thống website Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội tại địa chỉ www.bandomuasam.hanoi.gov.vn và các bản đồ khác phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Để thuận tiện cho khách du lịch mua sắm, mạng lưới địa điểm công cộng đặt máy bán hàng tự động cũng được tích hợp vào Hệ thống phần mềm thông minh chỉ dẫn du lịch thành phố Hà Nội, Bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội và các bản đồ du lịch khác.

Các thiết bị bán hàng hiện đại này được yêu cầu phải tiết kiệm năng lượng, ưu tiên máy đạt tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển, khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, có thiết bị bảo vệ chống chạm chập, rò điện, có camera... Thiết bị phải có các tính năng hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật như có bảng giá, bảng hiển thị tên sản phẩm, dễ nhìn, nhiều ngôn ngữ...

Máy cũng phải chấp nhận nhiều hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, mã QR... và có chức năng trả lại tiền thừa. Các sản phẩm bày bán tại máy bán hàng tự động gồm cả thức ăn, đồ uống, trái cây tươi... phù hợp đặc thù địa điểm đặt máy.

Thành phố Hà Nội cũng khuyến khích bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách du lịch; Yêu cầu không kinh doanh sản phẩm, hàng hóa trong danh mục cấm và thuốc lá, rượu.

Hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: Việc phát triển mạng lưới máy bán hàng tự động sẽ từng bước thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, việc phát triển mạng lưới bán hàng tự động tạo thêm sự lựa chọn mua bán phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng, cung ứng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ minh bạch, bảo đảm chất lượng, cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng, từng bước thay thế cho các hình thức bán hàng rong, bán dạo lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, máy bán hàng tự động sẽ được lắp đặt tại các công viên, vườn hoa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, nhà ga, ga đường sắt đô thị, nhà chờ khách, bến xe, trạm xe buýt, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí công cộng... và các địa điểm khác có tính chất tương tự.

Mở rộng mạng lưới máy bán hàng tự động, nâng cao tiện ích phục vụ người tiêu dùng

Mặc dù chỉ chiếm diện tích khoảng 1m²/máy, nhưng mỗi máy chứa được 300 sản phẩm

Trước mắt, thành phố giao đơn vị chức năng tổ chức rà soát, khảo sát, tổng hợp danh sách các địa điểm công cộng phù hợp lắp đặt máy bán hàng tự động; Rà soát, tổng hợp các địa điểm công cộng thuộc tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp thực hiện việc cho thuê, liên doanh liên kết đặt máy bán hàng tự động tại các địa điểm phù hợp trên địa bàn, đảm bảo quy định Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Diện tích vị trí lắp đặt máy phải từ 2 - 3m2. Ưu tiên bê tông hóa một phần đất thảm cỏ, cây xanh vừa đủ để đặt chân đế máy, thay cho việc đặt trên lối đi trong khuôn viên công viên, vườn hoa. Tại cùng một vị trí, tùy theo nhu cầu thực tế có thể bố trí tối đa 4 máy bán hàng tự động liền kề nhau. Vị trí lắp đặt máy bán hàng tự động phải đảm bảo mỹ quan đô thị, thuận tiện mua sắm, an toàn cho người sử dụng và thiết bị, kể cả khi mưa bão.

Các đơn vị chức năng cũng sẽ xây dựng phương án giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác địa điểm đặt máy bán hàng tự động; Phương án đấu giá quyền khai thác địa điểm đặt máy bán hàng tự động trên địa bàn, trình cơ quan có thẩm quyên xem xét, phê duyệt.

Kế hoạch lắp đặt máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng tại Hà Nội nhằm từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ. Kế hoạch cũng hướng đến góp phần đa dạng hóa lựa chọn mua bán phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đồng thời đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động mua sắm. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch từ ngân sách và xã hội hóa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật