A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn bẩy phát triển từ cao tốc Nha Trang - Liên Khương

Cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài gần 100 km không chỉ kết nối 2 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa mà còn cho cả vùng Tây Nguyên với Nam Trung Bộ.

Vừa qua, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các sở, ngành 2 địa phương đã tổ chức cuộc trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Liên Khương.

Sẽ xây dựng tuyến cao tốc 34.000 tỉ đồng

Tuyến cao tốc này đã được Thủ tướng phê duyệt vào danh mục các tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tỉnh Lâm Đồng có chủ trương kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đòn bẩy phát triển từ cao tốc Nha Trang - Liên Khương - Ảnh 1.

Hiện việc kết nối Nha Trang - Đà Lạt chủ yếu qua Quốc lộ 27C với cung đường đèo Khánh Lê khá hiểm trở. Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đưa ra 3 phương án, gồm: Phương án 1 đi song song Quốc lộ 27C, phương án 2 đi song song Tỉnh lộ 9 qua huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa và phương án 3 đi song song Quốc lộ 27B, qua huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

Đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1 là xây dựng tuyến cao tốc dài 98,5 km gồm 44 km trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, 54,5 km thuộc tỉnh Lâm Đồng và chia thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn Nha Trang - Đà Lạt dài 81,5 km có điểm đầu giao với đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) và điểm cuối tại Km81+500 (tại ngã ba Đarahoa, phường 12, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Đoạn còn lại là Đà Lạt - Liên Khương dài 18 km sẽ được xây dựng sau.

Dự án có tổng vốn đầu tư 34.000 tỉ đồng, 4 làn xe theo hình thức PPP, hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của nhà nước. Tuyến cao tốc dự kiến đi song song Quốc lộ 27C với khoảng cách từ 1 đến 7 km, thuận tiện trong việc kết nối với hệ thống giao thông hiện có của khu vực, có tác dụng hỗ trợ khi Quốc lộ 27C gặp sự cố. "Phương án này có chiều dài xây dựng ngắn nhất, tổng mức đầu tư thấp nhất so với các phương án còn lại" - đại diện đơn vị tư vấn đánh giá.

Lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất cao đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Liên Khương, nhưng trước mắt chỉ làm đoạn nối Nha Trang với Đà Lạt với quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe. Đây là tuyến đường chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Mở cửa Tây Nguyên

Hiện nay, việc kết nối Nha Trang - Đà Lạt chủ yếu qua Quốc lộ 27C dài khoảng 130 km với lượng phương tiện giao thông rất đông, nhất là xe khách. Tuy nhiên, tuyến đường này phải qua cung đường "tử thần" là đèo Khánh Lê với chiều dài 29 km, thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng và sạt lở. Mới đây nhất là vụ TNGT ngày 18/7, một xe khách chở 20 du khách Trung Quốc, 2 người Việt Nam đã bị lật làm 4 người chết, 9 người bị thương.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết tuyến cao tốc sẽ thuận tiện trong việc kết nối với hệ thống giao thông hiện có của khu vực, giúp giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 27C, đặc biệt khi gặp sạt trượt trong mùa mưa bão.

Không chỉ vậy, việc 2 vùng được kết nối bằng cao tốc sẽ phát huy tối đa điều kiện, lợi thế phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của 2 tỉnh, 2 trung tâm du lịch. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đánh giá với tiêu chí "Một tour du lịch, 2 điểm đến, mở ra 2 thế giới cảm giác", ngành du lịch 2 địa phương rất kỳ vọng khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển. Qua đó, 2 địa phương sẽ thúc đẩy mạnh lợi thế về du lịch, đưa khách quốc tế và trong nước có thể vừa trải nghiệm biển xanh vừa hòa vào không khí mát lạnh, rừng xanh của xứ ngàn hoa.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh này được Bộ Chính trị chọn là cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nên việc nghiên cứu dự án cao tốc Nha Trang - Liên Khương là điều đặc biệt quan tâm. Tuyến đường khi được thực hiện không chỉ giúp 2 tỉnh kết nối thuận tiện mà còn giúp các tỉnh Tây Nguyên hưởng lợi. Người dân đi lại dễ dàng, giao thương phát triển...

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định điều kiện thu ngân sách của 2 địa phương cũng tương đối, khả năng đáp ứng phần hợp vốn dự án, phương án tài chính cần được tính toán cụ thể.

Hai bên thống nhất UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất dự án; tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Khánh Hòa trong việc hoàn thiện các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Về hướng tuyến, lãnh đạo 2 tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục đi khảo sát thực tế; các sở, ngành sớm tham mưu ý kiến các nội dung liên quan. 

Mạng lưới giao thông mở rộng

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết cao tốc Nha Trang - Liên Khương là một trong những hướng có thể kết nối cho Nam Trung Bộ - Tây Nguyên với khu vực TP HCM - Đông Nam Bộ sau khi các tuyến cao tốc khác là Liên Khương - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Tân Phú hoàn thành. Hệ thống cao tốc của tỉnh được quy hoạch với hướng tuyến kết nối liên tục, giao nhau và tạo thành mạng lưới cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Liên Khương - Buôn Ma Thuột, Liên Khương - Nha Trang kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Khánh Hòa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật