A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp mã số vùng trồng là “chìa khóa” đưa nông sản Việt ra thế giới

Đến nay, cả nước đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

“Hộ chiếu” xuất ngoại chính ngạch

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, nhờ vậy mở ra cơ hội lớn cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Đơn cử, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký, trái sầu riêng của Việt Nam đã chính thức được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, đã có 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.

Các vùng trồng đã được cấp mã số hiện có diện tích vào khoảng 3.000ha, sản lượng ước tính 68.000 tấn/năm. Số lượng xuất khẩu sầu riêng có thể tăng lên sau khi hồ sơ của các vùng trồng và cơ sở đóng gói khác được tiếp tục gửi để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt.

Chiều 17/9, lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với sự tham gia của 5 doanh nghiệp, tổng trọng lượng hơn 100 tấn.

Cấp mã số vùng trồng là “chìa khóa” đưa nông sản Việt ra thế giới

Đến nay, cả nước đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố

Sầu riêng chỉ là một trong những thí dụ điển hình có được “hộ chiếu” xuất ngoại chính ngạch. Việc cấp mã số vùng trồng được xem là “chìa khóa”, là điều kiện bắt buộc để nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới. Nếu đáp ứng được các yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngành nông nghiệp còn rất nhiều cơ hội, tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng nông sản.

Tuy nhiên, trong quá trình thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn còn xảy ra một số bất cập. Cụ thể, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Tỷ lệ diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực.

Đáng chú ý, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn những hạn chế, chưa bảo đảm đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Trung thông tin: Hiện diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn cả nước chưa cao, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực. Trong khi đó, công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu.

“Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng sai mã số và sử dụng mã số của tổ chức, cá nhân khác để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường diễn ra ngày càng phức tạp khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo vi phạm hoặc tạm dừng nhập khẩu. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và nghiêm trọng hơn là mất thị trường xuất khẩu”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Phát triển số lượng mã số vùng trồng

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến nay, cả nước đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Về phía các doanh nghiệp, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy, các thị trường có yêu cầu khác nhau về mã số vùng trồng nhưng để được cấp mã số phải áp dụng sản xuất theo hướng an toàn. Do đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất để có thể truy xuất nguồn gốc.

Các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói...; Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm để không ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cấp mã số vùng trồng là “chìa khóa” đưa nông sản Việt ra thế giới

Sầu riêng của Ðạ Huoai được cấp mã số vùng trồng, đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc

Để thực hiện tốt công tác quản lý cũng như phát triển số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trước hết chính quyền các địa phương phải thật sự quan tâm vấn đề này.

Theo đó, các địa phương cần lên kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ được tầm quan trọng của việc cấp, duy trì mã số vùng trồng; Duy trì việc tập huấn, nâng cao trình độ của cán bộ địa phương; Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Về phía cơ quan chức năng, để siết chặt công tác quản lý, mới đây Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng chỉ làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đứng tên tổ chức, cá nhân sở hữu mã số. Trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu lô hàng không phải là chủ sở hữu mã số thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đại diện mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho công ty xuất khẩu.

Trong trường hợp chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mã số của mình thì phải có báo cáo bằng văn bản về Cục Bảo vệ thực vật…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan