A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê Đông Xuân

Từ một xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, xã Đông Xuân (nay thuộc huyện Quốc Oai) đã có sự khởi sắc, chuyển mình vượt bậc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước đổi khác, no ấm và hạnh phúc hơn.

Đổi thay diệu kỳ

Thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh, đời sống người dân xã Đông Xuân (khi ấy thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình) rất khó khăn, thu nhập lao động thấp, hộ nghèo còn nhiều; Giao thông hạn chế, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa bị xuống cấp chưa được đầu tư thỏa đáng.

Từ ngày hợp nhất về thành phố Hà Nội đến nay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã có sự phát triển vượt bậc. Đường giao thông từ xã đến thôn, đường nội đồng được thảm nhựa, bê tông 100%... việc đi lại đã dễ dàng, thuận tiện hơn. Hệ thống điện chiếu sáng cùng các trạm biến áp và mạng lưới dây điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Bài 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê Đông Xuân

Hiện 7/7 thôn trên địa bàn xã Đông Xuân có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng

Cùng với phát triển kinh tế, công tác giáo dục, văn hóa, y tế, vệ sinh môi trường tại địa phương cũng được quan tâm. Hệ thống giáo dục 3 cấp học của xã có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. 7/7 thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng và đều được công nhận làng văn hóa. Tỷ lệ hộ dân hàng năm được công nhận gia đình văn hóa chiếm 90% dân số toàn xã.

Đặc biệt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt trên 90%. Đến nay, các gia đình trong xã sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 100%. Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cũng được phát triển, nhân rộng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên mức 61,5 triệu đồng/người/năm.

Bài 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê Đông Xuân

Hệ thống giáo dục 3 cấp học của xã có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy

Để có được kết quả này chính quyền và Nhân dân trong xã phát huy sức mạnh, tinh thần đoàn kết trong thực hiện các tiêu chí để sớm hoàn thành Nông thôn mới nâng cao.

Chứng kiến sự đổi thay của địa phương sau 15 sáp nhập địa giới hành chính Thủ đô, ông Nguyễn Văn Hiện (Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai), người con của dân tộc Mường chia sẻ: Năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính, từ ngày 1/8, 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, trong đó có xã Đông Xuân sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, trực thuộc huyện Quốc Oai.

Bài 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê Đông Xuân

Ông Nguyễn Văn Hiện (Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai) trò chuyện cùng phóng viên

“Lúc bấy giờ, thôn Đồng Rằng có trên dưới 10% hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Giao thông chỉ là đường đất, đi lại lầy lội, khó khăn vào mùa mưa. Đa số, đồng bào sản xuất tự cung, tự cấp… Tuy nhiên, sau 15 năm, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng và bà con trong thôn đã hoàn toàn đổi khác. Hiện nay, thôn không còn hộ nghèo, chỉ còn 2 hộ cận nghèo do hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Đến nay có thể nói, Đồng Rằng thực sự thay đổi diệu kỳ sau 15 năm về với Thủ đô”, ông Hiện phấn khởi nói.

Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm, toàn xã hiện có khoảng 1.300 hộ dân, sinh sống tại 7 thôn, trong đó, 80% dân số là dân tộc Mường. Thời gian qua, Đông Xuân được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc vùng dân tộc thiểu số của Trung ương và thành phố Hà Nội nên có nền tảng tốt để phát triển kinh tế.

“Chính chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã mang đến cho địa phương vùng bán sơn địa hệ thống điện - đường - trường - trạm không thua kém gì các địa phương miền xuôi. Nếu so sánh với một số địa phương lân cận thuộc tỉnh Hòa Bình, điều kiện sống của đồng bào dân tộc xã Đông Xuân hiện nay tốt hơn khá nhiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ là khác biệt lớn nhất ở xã Đông Xuân sau 15 năm hợp nhất về với Thủ đô”, đồng chí Bùi Văn Sâm nhấn mạnh.

Bài 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê Đông Xuân

Đồng chí Bùi Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Công cuộc xây dựng Nông thôn mới gắn với việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã giúp thay đổi toàn diện diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Tính đến nay, ngoài 7 xã của huyện Ba Vì, 7/7 xã khác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ, đều đã về đích Nông thôn mới.

100% đường từ huyện đến trung tâm các xã đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa. Điện lưới được cấp đến 100% hộ dân, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Các xã đều có trạm y tế, trường học đạt chuẩn quốc gia, phục vụ chăm sóc khỏe, giáo dục và đào tạo. Hầu hết các hộ vùng đồng bào dân tộc có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, có điện thoại, mạng internet để sử dụng… Đó chính là những thành quả nổi bật sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm nhiều hơn. Nổi bật là xã Đông Xuân đã triển khai nhiều giải pháp lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Được sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai, xã Đông Xuân đã thành lập các đội văn nghệ, đội cồng chiêng tại 7/7 thôn và thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ cộng đồng.

Lãnh đạo xã Đông Xuân cho biết, thời gian tới, xã sẽ đề xuất huyện tiếp tục hỗ trợ phục dựng các bộ trang phục truyền thống, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường. Bên cạnh đó, địa phương cũng mong muốn thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ xã Đông Xuân nói riêng, các xã dân tộc miền núi nói chung của Thủ đô phục dựng thêm những nét văn hóa đặc sắc để bảo tồn, phục vụ cộng đồng và giảng dạy trong các nhà trường ở địa phương.

Cùng với diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, đời sống kinh tế của cộng đồng các dân tộc cũng được nâng lên rõ rệt. Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết: Các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khoảng 11%. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, hiện đã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội hiện chỉ còn 0,72%. Con số này giảm gần 21% so với thời điểm 15 năm trước, khi Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được ban hành và đi vào cuộc sống.

Bài 3: Bước chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê Đông Xuân

Trụ sở UBND xã Đông Xuân được xây dựng mới, khang trang, rộng rãi hơn

Có thể nhận thấy rằng, những đổi thay tích cực trong diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã khẳng định Nghị quyết 15 của Quốc hội là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử. Dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết, đòi hỏi những nỗ lực tiếp nối, sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa của Trung ương và Hà Nội trong thời gian tới. Do đó, rất cần sự chung tay, giúp sức của các ban, ngành, sự quyết tâm đồng lòng của chính quyền và Nhân dân địa phương để cùng xây dựng các xã vùng dân tộc miền núi của Thủ đô ngày càng phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan