Bạc Liêu - trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước
Từ định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 về thành lập và quy chế hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, ngày 28/7/2020 UBND tỉnh có Quyết định số 214/QĐ-UBND phê duyệt đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Mục tiêu năm 2025 sản xuất 40-45 tỷ con giống, nuôi tôm thương phẩm 147.000ha, sản lượng 249.000 tấn. Năm 2023 dù suy thoái toàn cầu, ngành tôm Bạc Liêu vẫn duy trì đà phát triển, ước tính xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.
Ứng dụng công nghệ cao
Cuối tháng 10/2023, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị chuyên đề “Xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023”. Tham dự hội có Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua, đưa ra các đề xuất, giải pháp đẩy mạnh chế biến xuất khẩu tôm của tỉnh trong thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị chuyên đề “Xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023” |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, Bạc Liêu hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. Trong đó, tôm chiếm hơn 95% kim ngạch. Xuất khẩu tôm năm 2022 đạt hơn 830 triệu USD; trong 9 tháng năm 2023 dù nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đạt gần 670 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ; ước tính cả năm 2023 đạt 1 tỷ USD theo kế hoạch.
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với thiết bị hiện đại, công suất 294.000 tấn/năm. Sản phẩm tôm được xuất đi các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao |
Bạc Liêu nằm ven biển thuộc vùng bán đảo Cà Mau, diện tích tự nhiên gần 2.700km² với 56km bờ biển có 3 vùng sinh thái (mặn, ngọt, lợ) thuận lợi nuôi trồng thủy sản. Riêng tôm nước lợ, diện tích nuôi trên 140.000ha, sản lượng hàng năm chiếm 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước.
Để trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, tỉnh chú trọng phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã phát triển ở 25 công ty và trên 800 hộ dân với tổng diện tích trên 4.600ha và 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Chế biến tôm xuất khẩu |
Bên cạnh là tôm - lúa với diện tích 41.000ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp sản xuất 72.312ha. Đây là những mô hình sản xuất bền vững, “thông minh” tạo ra sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình “thực hành nông nghiệp tốt”, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều vùng nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, nuôi theo hướng hữu cơ.
Những kết quả trên bước đầu đã giúp ngành sản xuất tôm Bạc Liêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, từ tư duy cục bộ địa phương sang liên kết vùng, tạo tiền đề cho phát triển bền vững.
Lúa thơm, tôm sạch
Những năm gần đây, cũng như cả nước, nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu phát triển và gặp thách thức lớn về “bài toán” môi trường. Đó là việc xả thải nếu không được xử lý tốt sẽ gây trở ngại rất lớn trong tương lai. Như câu nói “nuôi tôm là nuôi nước”, vấn đề môi trường phục vụ nuôi tôm là yếu tố sống còn của ngành tôm.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý tốt môi trường với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Phát triển ngành công nghiệp tôm phải đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao |
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã đề cập vấn đề thủy lợi với những thách thức và hướng khắc phục. Tỉnh Bạc Liêu có hai vùng sinh thái rõ rệt: Tiểu vùng sinh thái mặn phía Nam quốc lộ 1A và tiểu vùng sinh thái lợ phía Bắc quốc lộ 1A.
Hiện trạng hạ tầng thủy lợi của tỉnh với hệ thống đê biển, sông và bờ bao ngăn mặn dài 3.370km; 4.408 tuyến kênh dài 9.760km; 101 cống tưới, tiêu; 47 trạm bơm điện; 269 ô thủy lợi khép kín (diện tích mỗi ô 30-70ha) đã hỗ trợ rất lớn phát triển nuôi tôm. Tuy nhiên, hạ tầng thủy lợi cũng bộc lộ những hạn chế.
Đó là chưa có công trình điều tiết hoặc kiểm soát mặn nên độ mặn vào mùa khô tăng cao ở tiểu vùng sinh thái mặn phía Nam; còn tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ phía Bắc vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp sản xuất mặn - ngọt.
Thực tế đang đặt ra cho Bạc Liêu giải pháp đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng cấp thoát nước riêng ở tiểu vùng sinh thái mặn phía Nam. Tiểu vùng sinh thái lợ phía Bắc hỗ trợ xây dựng các ô thủy lợi khép kín, bán kiên cố hóa kênh mương để cải tiến công tác điều tiết nước mặn trong mùa khô theo hướng linh hoạt.
Lĩnh vực sản xuất của ngành tôm cũng còn nhiều manh mún, nhỏ lẻ. Để khắc phục, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Tỉnh chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng, 70% sản phẩm nuôi trồng truy xuất được nguồn gốc.
Nông dân vui mừng thu hoạch lúa thơm, tôm sạch |
Đến năm 2025, Bạc Liêu phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, xác định nuôi siêu thâm canh là điểm nhấn, đảm bảo hệ thống xử lý nước thải; phát triển ổn định nuôi tôm sinh thái, mở rộng diện tích tôm - lúa theo hướng “lúa thơm, tôm sạch”.
Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” có mục tiêu đến năm 2025: Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 6.000ha (tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 21,67%/năm); nuôi thâm canh, bán thâm canh 23.100ha (tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 1,17%/năm).
Sản lượng tôm 290.000 tấn (tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 14,72%/năm). Bạc Liêu hình thành được vùng sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao, cung ứng 40 - 45 tỷ con giống đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Thiều nhấn mạnh: “Tỉnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghệ cao, phát triển bền vững. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu tôm năm 2023 đạt 1 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 1,3 tỷ USD, đưa Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước”.