A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 năm sau “thương vụ thế kỷ” giữa Starbucks và Nestle: Doanh thu tăng hơn 50%, lợi ích chia đều cho cả 2 bên

Một bên chuyên bán “cà phê gói giá rẻ” và một cửa hàng “cà phê xa xỉ”, thật khó có thể tưởng tượng được “cái bắt tay thế kỷ” vào năm 2018 và lợi ích đạt được sau thương vụ.

Bối cảnh trước thương vụ

Trong nhiều năm liên tục từ 2010, Nestlé đã duy trì biên lợi và doanh số ổn định, nhưng đồng thời cũng bị một số nhà đầu tư đánh giá "tăng trưởng không như kỳ vọng", trong khi vẫn tiếp tục tích lũy tiền mặt qua các năm.

Đến năm 2017, Nestlé bắt đầu "chơi lớn" khi bán mảng kinh doanh bánh kẹo tại Mỹ cho Ferrero với giá 2,8 tỷ USD và mua lại Atrium, một công ty sản xuất Vitamin, qua đó củng cố vị thế là một công ty dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hàng đầu.

Ở trong vị thế tương tự là Starbucks, với doanh thu tăng trưởng qua từng năm, nhưng "vua cà phê xa xỉ" vẫn không cải thiện được biên lợi nhuận một cách rõ nét, đặc biệt là lĩnh vực "sản phẩm tiêu dùng" được đầu tư lớn nhưng chỉ mang về 15% tổng doanh thu, khiến kế hoạch thoát ra khỏi định kiến "Starbucks chỉ là một quán cà phê" ngày một xa vời.

Đến năm 2018, hai thương hiệu "nước sông không phạm nước giếng", Nestlé và Starbucks, đã ký một thỏa thuận "thế kỷ". Qua đó, Nestlé có quyền kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu Starbucks trên toàn cầu.

Về phần mình, Starbucks sẽ nhận được khoản thanh toán trước bằng tiền mặt trị giá 7,15 tỷ USD, cho mảng kinh doanh hiện chỉ mang về 2 tỷ USD mỗi năm.

Ngay lập tức, nhiều chuyên gia tài chính đã nhận định mức giá cao gấp 3,6 lần doanh thu mỗi năm là "quá hời" cho Starbucks. Vì theo thông lệ, các thương hiệu tiêu dùng nhanh (FMCG) chỉ được bán với mức giá cao hơn 3 lần so với doanh thu năm. Chẳng hạn như Keurig Green Mountain bán mình cho JAB Holdings với tỷ lệ 3,1, Peet's Coffee & Tea bán mình với tỷ lệ 2,46 và DE Master Blenders với tỷ lệ 2,7.

Sự kết hợp thiên tài

Suốt nhiều thập kỷ, ngành thực phẩm đóng gói phải vật lộn với sự thay đổi của thói quen tiêu thụ, khách hàng dần chuyển hướng sang thực phẩm địa phương, tốt cho sức khỏe và ít chế biến hơn.

Với sản phẩm chủ lực cà phê, Nestle sở hữu một vị thế rất tốt vì nó ít gây hại cho sức khỏe và không qua quá trình chế biến. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ, Nespresso và Nescafe chỉ chiếm được 4% thị phần, trong khi Starbucks sở hữu đến gần 13%.

Là một tập đoàn có lịch sử lâu đời, Nestle cũng khá chật vật với quá trình số hóa, trong khi đó, Starbucks luôn là một tấm gương về chuyển đổi số tại Thung lũng Silicon, khi gần 1/3 doanh thu được mang về từ những nền tảng điện tử.

Về độ phủ của thương hiệu, Starbucks chỉ kinh doanh tại 28 quốc gia, trong khi Nestlé có mặt ở 190 quốc gia, cung cấp mạng lưới phân phối toàn cầu tốt nhất cho các sản phẩm mới.

Thêm vào đó, Nestle còn có cơ hội đưa sản phẩm Starbucks vào các dòng máy pha chế nổi tiếng như Nespresso và Dolce Gusto, nhanh chóng biến nó trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn tại nhà và tại văn phòng.

Nhường phần kinh doanh các sản phẩm đóng gói lại cho Nestle, Starbucks sẽ tập trung vào thế mạnh của mình – chuỗi cửa hàng đang liên tục mở rộng và mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Tóm lại, Nestlé đã mua lại mảng sản phẩm đóng gói đang gặp khó khăn của Starbucks, dòng sản phẩm mà Nestlé có đủ khả năng để xoay chuyển tình thế. Dù đưa ra một khoản phí khá cao, nhưng Nestlé cũng gia tăng được thị phần tại Hoa Kỳ, đồng thời giải tỏa áp lực về "cục tiền mặt" mà tập đoàn này đã nắm giữ trong nhiều năm.

Kết quả của thương vụ

Chỉ sau một thời gian tiếp quản, Nestle đã đẩy doanh thu các sản phẩm Starbucks lên mức 2,9 tỷ USD vào năm 2020, tăng gần 4,5 lần so với lúc thương vụ được ký kết.

Tính đến năm 2021, Starbucks đã có hơn 33.000 cửa hàng trên toàn thế giới, với công sức không nhỏ đến từ khoản tiền thu được vào năm 2018 và sự có mặt của sản phẩm Starbucks ở khắp thế giới thông qua hệ thống phân phối của Nestle, tổng doanh thu toàn cầu của các sản phẩm Starbucks do Nestlé phân phối vào năm 2021 đạt 3,1 tỷ USD

Michael Conway, Giám đốc phát triển kênh của Starbucks cho hay: "Mối quan hệ đối tác của chúng tôi rất thành công cho cả hai công ty, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng."

Vào năm 2022, tiếp đà thành công, Starbucks tiếp tục bán thương hiệu Seattle's Best Coffee của mình cho Nestle với số tiền không được tiết lộ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật