A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ Chủ nhiệm UBKT Bắc Ninh sử dụng bằng giả: Cần xử lý nghiêm

Theo các ĐBQH, nạn sử dụng bằng giả vẫn còn, điều này sẽ gây thiệt thòi cho những người học thật, thi thật. Do đó, cần có hình thức kỷ luật đúng mức để làm gương.

Có bứt rứt không?

Thông tin Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng bị đề nghị kỷ luật vì sử dụng bằng giả những ngày qua nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch.

Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội sáng 2/11, ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng đây là biểu hiện của cán bộ thoái hóa, biến chất, không thể chấp nhận được.

Đối thoại - Vụ Chủ nhiệm UBKT Bắc Ninh sử dụng bằng giả: Cần xử lý nghiêm

ĐBQH Vũ Trọng Kim trao đổi với Người Đưa Tin.

Theo đại biểu, khi đã trở thành cán bộ, có vị trí, được học có nhận thức đầy đủ mà còn sử dụng bằng giả thì "không ai thương anh được".

"Đây là hành vi có ý thức, mà ngày đêm cố giấu chuyện này thì không hiểu anh có bứt rứt không?", ông Kim đặt câu hỏi và cho rằng danh dự của người cán bộ không còn nữa, gây ảnh hưởng đến gia đình, dòng họ, quê hương. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến tổ chức.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cán bộ đó quản lý chưa chặt chẽ, chưa chú ý đến kiểm tra hành chính những thủ tục cần thiết. Bởi, khi lên chức vụ nào đó thì người cán bộ phải mang bằng cấp đến và nhờ các ngành quản lý soi rọi, xem xét kỹ lưỡng.

Do đó, ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng cần phải làm đúng mức về hình thức kỷ luật, ông nhấn mạnh: "Không phải chuyện chỉ ra khỏi hàng ngũ cán bộ công chức là được, điều quan trọng là phải chịu hình thức kỷ luật như thế nào để làm gương cho mọi người về một hành vi có tính toán, có "chủ nghĩa cơ hội" ở tầm cao".

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng điều này không nên có trong chế độ xã hội vì mọi người, là công bộc của nhân dân.

Cần xử lý nghiêm khắc

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin sáng 2/11, ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) nhìn nhận, để đến vị trị đó góc độ nhà tổ chức mới phát hiện sử dụng bằng giả thì trách nhiệm trước hết ở nơi quản lý cán bộ.

"Vì năm nào chúng ta cũng có nhiệm vụ rà soát bằng cấp, đặc biệt là phải đối chiếu với bằng gốc. Thế nhưng, khi để ngồi lên vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm traBắc Ninhkhi đó mới phát hiện ra thì đây là điều đáng tiếc", bà Minh nói và cho biết đáng tiếc ngay cả trong cách dùng cán bộ, sử dụng cán bộ, cả cách kiểm tra.

Đại biểu đặt vấn đề: "Liệu rằng lâu nay có sự bao che không? có sự dung túng không? và có sự nâng đỡ nào đó hay không?".

Nhìn nhận dưới góc độ của người đã từng làm tổ chức, đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý cán bộ ở đó là hàng đầu. Là cơ quan quản lý trách nhiệm là đối chiếu hàng năm thì cơ quan quản lý cán bộ đó phải coi là nhiệm vụ quan trọng.

Theo đại biểu, chế tài xử lý cán bộ sử dụng bằng giả để "chui sâu, leo cao"  trong bộ máy công quyền còn hạn chế. Vì thế, không phải một trường hợp duy nhất là vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Bắc Ninh kia mà đã có rất nhiều những trường hợp tương tự, nhưng chỉ có một hình thức là cho nghỉ việc.

"Tôi cho rằng điều đó chưa đủ sức răn đe, muốn răn đe được thì cần phải ràng buộc trách nhiệm của người có bằng cấp khai báo trung thực. Khi anh không trung thực trước tổ chức thì anh phải chịu án kỷ luật ở mức độ cao thì khi đó mới răn đe được cán bộ trong vấn đề sử dụng bằng cấp không trung thực với chính bản thân mình", bà Minh bày tỏ.

Đối thoại - Vụ Chủ nhiệm UBKT Bắc Ninh sử dụng bằng giả: Cần xử lý nghiêm (Hình 2).

ĐBQH Hồ Thị Minh cho rằng nạn sử dụng bằng giả vẫn còn.

Cũng theo đại biểu Hồ Thị Minh, vấn đề "tứ ệ" - "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ" vẫn còn. Vừa qua mặc dù đã có những văn bản quản lý rất tốt trong vấn đề quản lý công tác cán bộ, nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu. "Tôi hy vọng vấn đề này thời gian tới sẽ thắt chặt hơn. Đặc biệt, cơ chế kiểm soát quyền lực và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ là bước để răn đe", bà Minh nói.

Đồng thời, bà Minh cho rằng nạn sử dụng bằng giả vẫn còn, điều này sẽ gây thiệt thòi cho những người học thật, thi thật.

"Hầu như các vụ việc khi phát hiện bằng cấp thì họ đều giữ một vị trí quan trọng trong xã hội. Điều này, gây hệ lụy rất đáng tiếc. Còn những người học thật, thi thật có năng lực xứng đáng để được cân nhắc vị trí đó thì cơ hội lại không đến. Điều này là một sự thiệt thòi trong công tác bổ nhiệm cán bộ cho những đồng chí xứng đáng. Nên tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc những ai gian dối", bà Minh nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin trên báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó có ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh vì sử dụng bằng giả.

Ông Thắng đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy Công nhận không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã biểu quyết xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Thắng, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan