Vụ 6 công an ở Hải Dương bị bắt: Các bị can đối diện án phạt nào?
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt giữ 6 công an TP. Chí Linh do 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'. Vậy, với hành vi này, các bị can sẽ đối diện với án phạt như thế nào?
Máy đo nồng độ cồn phải đo cơ quan có thẩm quyền cấp đúng quy định
Tối ngày 9/2, Công an tỉnh Hải Dương thông tin về vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan công tác kiểm tra nồng độ cồn, xảy ra ngày 4/2 tại TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương).
Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 4/2, nhóm cán bộ, chiến sĩ trong tổ tuần tra kiểm soát số 3 (thuộc Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Chí Linh) trong quá trình làm nhiệm vụ đã dừng nhiều ô tô để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhóm này đã sử dụng máy đo nồng độ cồn không phải do Bộ Công an cấp.
Căn cứ tài liệu thu thập được, ngày 8/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hải Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người nguyên là cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Chí Linh, gồm: Bùi Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Tuấn, Mạc Quốc Phương, Nguyễn Thành Trung và Trương Mạnh Đăng.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã phê chuẩn các quyết định trên
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho rằng đây là vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận, khi mà những người nguyên là cán bộ cảnh sát giao thông- trật tự (Công an TP. Chí Linh) vi phạm hình sự, bị khởi tố.
Theo Luật sư Hùng, các đối tượng trên đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được nhà nước phân công, giao cho trách nhiệm thực hiện công tác thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thay vì thực hiện đúng công vụ, trách nhiệm, quy trình, trang bị đo nồng độ cồn, các bị can trên đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, cố tình sử dụng máy móc không đúng quy chuẩn, chủng loại mà nhà nước giao cho nhằm mục đích gây thiệt hại, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, hình ảnh của cán bộ cảnh sát giao thông ở địa phương. Đồng thời, cũng làm cho việc xử lý các đối tượng vi phạm nồng độ cồn không được đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nhất là trong giai đoạn cao điểm chỉ đạo của các bộ, ban, ngành ở trung ương đến địa phương về việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nên cố tình sử dụng máy móc, thiết bị không đúng đo nồng độ cồn để có các hành vi, quyết định xử lý không đúng quy định pháp luật với người vi phạm. Hành vi này với lỗi cố ý, có mục động cơ, mục đích rõ ràng, có bàn bạc, kế hoạch tổ chức từ trước và lợi dụng đặc thù nghề nghiệp để vi phạm.
Với hành vi, hậu quả rõ ràng như vậy nên Công an tỉnh Hải Đương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền.
Luật sư Hùng khẳng định, với hành vi rõ ràng như trên tùy thuộc tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có những đánh giá cụ thể để đưa ra khung hình phạt. Mức hình phạt cao nhất của Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Qua đây có thể thấy rằng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn giao thông, cụ thể thông tin chi tiết về các máy móc, thiết bị đo nồng độ cồn cũng chưa được sát sao đến người dân. Do đó, trong quá trình xử lý, nếu người dân phát hiện ra máy móc không đúng quy định có thể chụp ảnh, ghi hình lại và trình báo đến cơ quan nhà nước xử lý.
Vụ việc cần xử lý nghiêm, có tính răn đe, giáo dục chung để phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Nhưng cơ quan chủ quản cũng cần có biện phạm giám sát, kiểm tra và công khai cho người dân biết về máy móc, chủng loại, công năng để cùng phối hợp giám sát, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của tất cả các bên, Luật sư Hùng nói.