Vì sao không công khai kết quả giám định ADN vụ 'Tịnh thất Bồng Lai'?
Việc giữ bí mật thông tin đời tư cá nhân, bí mật về kết quả giám định ADN đối với những đứa trẻ 'Tịnh thất Bồng Lai' là cần thiết, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Nếu kết quả giám định ADN những người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống, việc khởi tố thêm 2 tội danh là tội "loạn luân" và "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có căn cứ.
Mới đây, Công an tỉnh Long An cho biết đã có kết luận giám định ADN 28 người tại Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Kết quả giám định này có thể để cơ quan an ninh điều tra xem xét việc khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội loạn luân.
Cơ quan an ninh điều tra đã thông báo kết quả giám định ADN này đến những người liên quan. Tuy nhiên, vì để bảo đảm tôn trọng quyền con người và liên quan đến cuộc sống của nhiều trẻ em, thông tin này không cung cấp rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật sư Cường cho rằng, kết quả giám định ADN là chứng cứ khoa học rất quan trọng để chứng minh mối quan hệ huyết thống của những người có liên quan. Kết quả giám định ADN làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội loạn luân.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc cung cấp các thông tin cho báo chí cũng như công khai các thông tin trước công luận liên quan đến mối quan hệ huyết thống này.
"Với thông tin về việc bị can nào sẽ bị khởi tố, bị xử lý với mức hình phạt bao nhiêu chắc chắn là sẽ công khai. Còn nếu có những đứa trẻ là nạn nhân của các mối quan hệ bất chính đó, cơ quan tố tụng sẽ giữ bí mật đời tư cho các em để đảm bảo quyền trẻ em, quyền công dân, quyền được giữ bí mật đời tư để không ảnh hưởng đến tương lai hạnh phúc của các em", luật sư Cường cho biết.
Ông Cường nói rằng, trong vụ án này, có rất nhiều đứa trẻ tài năng, rất đáng thương, chúng là nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng nơi đây. Bởi vậy ngoài việc xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đảm bảo ổn định đời sống nuôi dưỡng, hỗ trợ để các em phát triển.
"Những đứa trẻ này hoàn toàn không có tội và cần được đối xử bình đẳng, tránh việc kỳ thị của xã hội, cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể để các em có cơ hội học tập, lao động, phát triển bản thân. Nếu cha mẹ của các em không đủ điều kiện nuôi dưỡng do hoàn cảnh kinh tế, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật thì các cơ sở bảo trợ xã hội có thể đón các em về chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho các em để có thể phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập", luật sư Cường đề nghị.